Xây dựng thương hiệu Việt: Không thể chậm trễ

Tận dụng sự ủng hộ của người tiêu dùng để xây dựng thương hiệu hàng hóa đủ mạnh, có sức cạnh tranh và chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước là một trong những trọng tâm của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) giai đoạn tới.

Hàng Việt khẳng định vị trí

Tại Diễn đàn Xây dựng thương hiệu Việt diễn ra trong khuôn khổ “Tuần nhận diện hàng Việt Nam” mới đây, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Sau 6 năm triển khai, CVĐ đã giúp hàng Việt có chỗ đứng tại thị trường trong nước khi có đến 90% người tiêu dùng được hỏi đã trả lời có quan tâm đến CVĐ này; 70% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Nhân – Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết thêm: Mức độ quan tâm của người tiêu dùng với hàng Việt đang dần tăng lên. Nếu như trước khi diễn ra CVĐ, khoảng 200 nghìn khách hàng tham gia tháng bán hàng “Tự hào hàng Việt” tại chuỗi siêu thị Saigon Co.op Mart thì đến nay, đã có hơn 400 nghìn khách hàng tham gia mỗi tháng. Bên cạnh đó, khi CVĐ chưa được tổ chức, chỉ có khoảng gần 130 nhà cung cấp tham gia chương trình người tiêu dùng và hàng Việt Nam chất lượng cao thì nay đã có 600 nhà cung cấp tham gia chương trình này. Những minh chứng trên cho thấy: Không chỉ người tiêu dùng mà cả các DN và nhà bán lẻ đã thực sự vào cuộc để “tiếp sức” cho hàng Việt Nam.

alt

Tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng

Hàng Việt Nam dần có được chỗ đứng cũng như định vị trong tâm trí người tiêu dùng. Tuy nhiên, chưa có nhiều thương hiệu thực sự mạnh, được người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến. Trong hoàn cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam, việc tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng để xây dựng thương hiệu Việt đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên “sân nhà” là điều không thể chậm trễ. Đây cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của CVĐ trong giai đoạn tiếp theo. Việc này không chỉ cần đến sự nỗ lực của DN mà còn cần sự trợ giúp của các cơ quan quản lý.

Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - xây dựng thương hiệu hàng hóa không phải là việc dễ dàng. Đơn cử như ngành dệt may thế giới đã có đến hơn 200 năm phát triển nhưng mới chỉ có khoảng 100 thương hiệu nổi tiếng thế giới được người tiêu dùng biết đến.

“Cần thực hiện nhiều hơn những chính sách để bảo vệ hàng hóa của các DN làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện, giúp DN có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu” – ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Nhân chia sẻ: Kênh phân phối đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu Việt bởi đây chính là “cầu nối” giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Kênh phân phối cần nâng cao hơn nữa vai trò trong việc giúp nhà sản xuất được những sản phẩm đúng với nhu cầu của người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng nhận biết và chọn lựa những sản phẩm thực sự có chất lượng. Hàng hóa được ưa chuộng là điều kiện tiên quyết giúp xây dựng thương hiệu.

Theo http://baocongthuong.com.vn/

Bình luận của bạn