Kinh tế xanh thấm sâu vào thị trường tiêu dùng
Nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đã đưa sản phẩm nhựa các loại vào diện kiểm soát chặt và hạn chế sử dụng. Điều này nằm trong nỗ lực của các quốc gia về thực hiện cam kết chống lại biến đổi khí hậu, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực cho hệ sinh thái và phát triển nền kinh tế xanh. Thực tế này được dự báo sẽ tác động nhiều đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Thiếu xanh, doanh nghiệp sẽ gặp khó
Thông tin từ thị trường châu Âu cho thấy, từ đầu tháng 11, Chính phủ Bồ Đào Nha đã áp dụng một sắc luật mới về bảo vệ môi trường. Theo đó, nước này cấm bán các sản phẩm nhựa dùng một lần, đồng thời đặt mục tiêu đến cuối năm 2026 giảm 80% việc sử dụng cốc nhựa đựng đồ uống, bao bì nhựa cho các loại thực phẩm ăn liền và tiếp tục giảm 90% vào cuối năm 2030.
Nhìn nhận về vấn đề này, đại diện tham tán thương mại của Việt Nam tại thị trường châu Âu cho biết, những quy định mới này nằm trong chủ trương phát triển kinh tế xanh của các nước châu Âu.
Được biết, trước đó vào tháng 6-2019, Hội đồng Liên minh châu Âu đã có quy định chung về việc phải cắt giảm sử dụng sản phẩm được làm từ nhựa. Liên quan đến vấn đề này, về phía Bộ TN-MT cũng khẳng định, Việt Nam đã chính thức ký cam kết với thế giới về việc giảm thiểu phát thải nhựa. Điều này xuất phát từ thực tế, Việt Nam được đánh giá là nước đứng tốp đầu về xả thải nhựa ra môi trường với 1,8 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng túi ni lông đã lên đến con số 30 tỷ túi/năm.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, chỉ tính riêng tại TPHCM, lượng rác thải dao động trên dưới 4 triệu tấn/năm. Trong đó, hầu hết lượng rác thải nhựa không được phân loại, tái chế mà chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt.
Do vậy, cùng với các nước cam kết giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách phát triển thị trường tái chế chất thải, giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa trong thói quen tiêu dùng của người dân cũng là giải pháp để Việt Nam góp phần tăng khả năng bảo vệ môi trường biển của chính mình.
Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, yếu tố “xanh” trong sản xuất để hướng đến nền kinh tế tuần hoàn đã được nhiều thị trường xuất khẩu áp dụng rất nhuần nhuyễn.
Nhà máy Giấy Chánh Dương (Bình Dương) xử lý chất thải thành than dùng cho nhiệt điện, phục vụ lại sản xuất. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Dệt may Việt Nam, cho biết, để có thể thuận lợi nhận đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nội cần đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn môi trường. Phổ biến nhất là tiêu chuẩn giảm thiểu năng lượng hóa thạch, tỷ lệ ứng dụng nguồn năng lượng sạch, khả năng tái chế, tái sử dụng nước thải nói riêng và chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất. Chỉ với một trong những vi phạm về môi trường như xả thải gây ô nhiễm môi trường hoặc không ứng dụng giải pháp tái chế chất thải… thì doanh nghiệp sẽ mất cơ hội tiếp cận thị trường.
Không dừng lại ở lĩnh vực dệt may, lĩnh vực nhựa, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, khẳng định, công ty đã phải tái đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất nhằm tiếp cận bền vững hơn với thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, sản phẩm nhựa phải thân thiện môi trường, có khả năng tự hủy sau sử dụng.
Đơn cử, túi đựng thực phẩm Tamiko, một dòng sản phẩm bao bì thực phẩm tự hủy sinh học với thành phần chính là tinh bột hữu cơ biến tính rất thân thiện và an toàn với thực phẩm, sức khỏe và môi trường.
Dựng rào xanh để an toàn xuất khẩu
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) 2021 với chủ đề “Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, chia sẻ, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến các yếu tố trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, điển hình như môi trường và lao động.
Việc đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội sẽ giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh, bảo vệ và nâng cao sự nhận biết về thương hiệu của doanh nghiệp cũng như gây dựng và củng cố lòng tin đối với đối tác, khách hàng. Đây có thể được xem là cam kết của doanh nghiệp đối với đạo đức kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Hiện luật pháp châu Âu quy định hơn 20 chất bị kiểm soát, cấm, hạn chế đối với việc sản xuất, nhập khẩu, đưa ra thị trường, sử dụng, thu hồi, tái chế, cải tạo và tiêu hủy. Việc không đáp ứng những tiêu chuẩn này cũng đồng nghĩa với doanh nghiệp nội không có cơ hội bước chân vào thị trường này. Điều này cũng được áp dụng phổ biến tại nhiều thị trường khác trên thế giới.
Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng vào những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cho rằng, bản thân doanh nghiệp phải chủ động đổi mới sản xuất để an toàn trước rào cản xanh. Theo đó, yếu tố xanh không chỉ dừng lại ở việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải mà cao hơn là phải tuần hoàn, tái sử dụng chất thải để giảm thiểu chất thải phát sinh; không sử dụng hóa chất cấm hoặc để tồn dư hóa chất trong sản phẩm.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia (SPS), nhấn mạnh thêm, những thay đổi về quy định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, lao động… của các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi, đòi hỏi bộ phận tư pháp của doanh nghiệp phải tích cực tiếp cận và cập nhật kịp thời trong hoạt động sản xuất. Tránh tình trạng là hàng đã xuất khẩu sang đến cửa khẩu hải quan của nước bạn nhưng bị trả về vì không đáp ứng rào cản kỹ thuật.