Liên quan tới bán lẻ hàng hóa trực tuyến, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát đã tăng 47% trong năm 2020. Các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu đều tăng trưởng lượng đơn từ 30-60%, trong đó có Ninja Van - một công ty e-logistics có vốn đầu tư từ Singapore, công ty này tăng trưởng 200% (tăng ba lần so với năm 2020).
VECOM cũng cho biết, quy mô thương mại điện tử đã tăng trưởng bình quân 30% mỗi năm suốt giai đoạn 2016-2019, từ 4 tỷ USD năm 2015 lên 11,5 tỷ USD năm 2019. Đà tăng sẽ duy trì ở mức 29% trong giai đoạn 2020-2025, vươn lên 52 tỷ USD vào 2025.
Là ngành hậu cần của thương mại điện tử (e-commerce), triển vọng e-logistics gắn với tốc độ tăng trưởng của thị trường e-commerce. Ước tính chi phí vận chuyển chiếm tầm 10% doanh thu của doanh nghiệp, quy mô vật lý của thị trường e-logistics cũng trị giá hàng tỷ đô, theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ.
Tiềm năng cho doanh nghiệp e-logistics ngoại
Báo cáo "Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021" của Agility xếp hạng Việt Nam ở top 8 thị trường logistic tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Với sức hấp dẫn này, cuộc đua e-logistics (dịch vụ hậu cần thương mại điện tử) trong nước ngày càng sôi nổi với nhiều doanh nghiệp năng động.
Trong cuộc đua này, thương hiệu nội địa hiện chiếm 20% thị phần logistics. 80% dòng chảy hàng hoá còn lại nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại với lợi thế vốn lẫn công nghệ, trong đó có Ninja Van Group đến từ Singapore. Đơn vị này vừa huy động thành công 578 triệu USD trong vòng series E và đang dự tính kế hoạch IPO vào năm tới.
Ninja Van đánh giá Việt Nam là "mảnh đất màu mỡ" cho e-logistics phát triển. Do đó, 578 triệu USD sẽ được phân bổ cho Đông Nam Á, bao gồm thị trường trọng điểm Việt Nam. Ông Phan Xuân Dũng - Giám đốc Kinh doanh Ninja Van Việt Nam, cho biết sau series E công ty sẽ thực hiện chiến lược đầu tư tham vọng hơn trên cả ba lĩnh vực vận hành, hệ thống kỹ thuật, hệ sinh thái cho khách hàng nhỏ và lẻ.
Là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của những ông lớn sàn thương mại điện tử tại Việt Nam như Shopee, Lazada và Tiki, Ninja Van cho biết đã luôn nỗ lực để mang đến dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho người bán cũng như người mua.
Trong thời gian tới, hãng logistics này dự kiến mở rộng hệ thống bưu cục dày đặc hơn trên 63 tỉnh thành để đạt độ phủ 100% dân số, cũng như hệ thống chia chọn tự động hai triệu kiện hàng tại 5 kho chính để tăng tốc độ giao nhận. Công ty này cũng xây mới và cải tiến các nền tảng ứng dụng web lẫn mobile, nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Hãng mở rộng hơn dịch vụ giao hàng xuyên biên giới Ninja Direct giúp người bán Việt Nam kết nối với các nhà sản xuất và phân phối tại nhiều quốc gia, hay Ninja Crossborder đưa các nhà sản xuất trong nước vươn ra thị trường tiêu thụ thế giới. Với hệ thống bưu cục trải dài trên toàn quốc tích hợp ứng dụng công nghệ ưu việt, doanh nghiệp này hứa hẹn sẽ giải quyết những vấn đề của người bán hàng Việt một cách hiệu quả.
Sau đợt giãn cách tại nhiều tỉnh thành từ tháng 5 do Covid-19, Ninja Van cho biết đơn vị được nhiều tổ chức đánh giá cao khi giữ phong độ ổn định trong chiến lược vận hành và nhân sự, góp phần khơi thông hàng hóa giữa giãn cách.
"Với hiệu suất hơn 300.000 đơn hàng mỗi ngày cùng số vốn mới, chúng tôi đang triển khai các hoạt động kích cầu thương mại, hỗ trợ người bán đảm bảo 'giao thông suốt, nhận vẹn nguyên' trong quý mua sắm cuối năm", ông Phan Xuân Dũng chia sẻ thêm.