"Hàng Việt về nông thôn phải đảm bảo chất lượng"

Là đề nghị của ông Trần Thanh Mẫn- Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Tây Ninh vào ngày 15/9.

 

Ông Trần Thanh Mẫn (áo trắng) Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam cùng đoàn khảo sát hàng Việt tại Siêu thị Coopmart Tây Ninh

Ông Trần Thanh Mẫn xác định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Do đó, nhà sản xuất phải có trách nhiệm tạo ra những sản phẩm tốt, có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Bên cạnh đó các doanh nghiệp, nhà phân phối hết sức lưu ý đến việc đưa hàng về nông thôn phải là những mặt hàng có chất lượng, tránh tình trạng đưa hàng nhái, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng để người dân tiêu thụ, ông Mẫn nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Văn Quang- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động tỉnh Tây Ninh- cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 109 chợ chủ yếu bán hàng Việt. Bên cạnh đó mỗi năm UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ban ngành xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…

Về chương trình bình ổn giá, hiện Tây Ninh có 9 doanh nghiệp tham gia với 21 cửa hàng, 41 điểm bán hàng bình ổn. Các doanh nghiệp tham gia đều thực hiện đúng kế hoạch được phê duyệt, hàng đảm bảo chất lượng với giá bán giảm từ 5-10% so với giá thị trường. Trong 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán hàng bình ổn của doanh nghiệp đạt 78 tỷ đồng.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đưa hàng Việt về nông thôn. Cụ thể, Công ty Hùng Duy đã tổ chức 60 chuyến xe bán hàng lưu động với tổng doanh thu 3,5 tỷ đồng/ngày, trong đó có 30 chuyến xe bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa với tổng doanh thu 1,1 tỷ đồng/ngày. Riêng siêu thị Coopmart Tây Ninh đã tổ chức gần 20 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng tới các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn. "Song song đó trong tháng công nhân, Tây Ninh cũng đã tổ chức phiên chợ cuối tuần với sự tham gia của 80 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu hút trên khoảng 10.000 người mua sắm", ông Quang cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo của địa phương thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng sâu rộng như: các chương trình bình ổn giá, các đợt đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa..., để người dân có cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng Việt cũng như giúp người tiêu dùng nhận biết, mua sắm các mặt hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động, theo ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, cần giới thiệu mô hình chuỗi “Liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm” nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và tạo thương hiệu cho sản phẩm Việt, qua đó chia sẻ một số kinh nghiệm tốt trong triển khai Cuộc vận động, góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển vững mạnh trong xu thế hội nhập.

Bình luận của bạn