10 năm đưa hàng Việt về nông thôn: Nhất cử, lưỡng tiện copy

Theo lãnh đạo Sở Công thương, nhu cầu sử dụng hàng Việt chất lượng của người dân trên địa bàn các huyện, nhất là ở những vùng khó khăn là rất lớn, trong khi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi tràn lan đã làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Việc tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn nhằm tạo cơ hội để người dân được mua sắm hàng hóa thiết yếu với chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý. Đó là lý do Sở Công thương tích cực kêu gọi, vận động các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, nhất là tới những vùng giao thương hàng hoá còn hạn chế, việc đi lại của người dân còn nhiều khó khăn.
 
Thực tế cho thấy, sau 10 năm triển khai chương trình này không những mang lại lợi ích cho người dân mà cả với các doanh nghiệp tham gia. Từ các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các loại hàng Việt có chất lượng, giá thành hợp lý; đồng thời, cũng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương đã tổ chức được trên 100 chuyến đưa hàng Việt bằng xe lưu động đến các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, vào dịp Tết - thời điểm thường hay xảy ra tình trạng găm hàng, sốt giá ảo trên thị trường, Sở Công thương phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức những chuyến bán hàng Việt bình ổn giá bằng xe lưu động về các vùng nông thôn. Bình quân, mỗi năm đơn vị triển khai được từ 10 – 12 chuyến, góp phần đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa Tết của người dân; mỗi chuyến đi thu hút được từ 3- 5 doanh nghiệp lớn cùng với nhiều tiểu thương tham gia bán hàng.
 
Ngoài ra, hàng năm, Sở Công thương còn tổ chức được từ 3 – 4 phiên chợ hàng Việt về các huyện biên giới, huyện vùng sâu. Mỗi phiên chợ kéo dài từ 5 – 7 ngày, giúp người dân có nhiều cơ hội mua sắm hàng hóa do chính các nhà sản xuất, nhà phân phối cung ứng theo đúng chuẩn “mua tận gốc, bán tận ngọn”.
 
Hàng hóa được đưa về bán cho người dân tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, quần áo, giày dép, đồ gia dụng... và đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo với mức giá bán bình ổn.    
 
Tôi gắn bó với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn từ những ngày đầu thực hiện, đã từng theo chân rất nhiều chuyến đưa hàng Việt về các xã vùng sâu, vùng xa như: Măng Ri, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông); xã Hiếu, Pờ Ê (Kon Plông) hay Đăk Môn, Đăk Choong (huyện Đăk Glei)... Trong mỗi chuyến đi ấy, tôi luôn ấn tượng về những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười hồ hởi của người dân khi những chuyến xe đưa hàng Việt về bán tại địa phương. Người dân tíu tít rủ nhau đi xem, mua nào là dầu ăn, bột giặt, mì gói, xoong chảo... Người gùi, người xách rộn ràng như ngày làng mở hội.
 
Tôi vẫn nhớ như in niềm vui của trưởng thôn A Bình (làng Đăk Xam, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei) khi lần đầu tiên hàng Việt được mang về bán ngay tại sân nhà rông của thôn.
 
Anh A Bình chia sẻ: Bình thường, người dân trong thôn phải đi mấy cây số ra trung tâm xã mới có nhiều hàng hoá để mua sắm. Thế nên, khi nghe cán bộ xã thông báo có đợt bán hàng Việt bình ổn giá, tôi liền đi thông báo với mọi người. Cả làng ai cũng háo hức chờ đợi. Bà con vui lắm vì hàng hóa mang về toàn là hàng thiết yếu như  dầu ăn, nước mắm, bột giặt, quần áo, đồ dùng nhà bếp... giá cả lại bán thấp hơn thị trường.
 
Hơn 5 năm rồi, tôi vẫn còn rưng rưng khi nhớ lại hình ảnh một người phụ nữ Mơ Nâm (ở làng Vi Chrin, xã Hiếu, huyện Kon Plông) lần giở từng lớp ni lông gói những đồng tiền mà chị gom góp rất lâu từ việc bán nấm, bán lá dong... đợi chuyến bán hàng Việt về xã để mua cho con vài bộ quần áo, ít bánh kẹo và mấy thứ hàng thiết yếu để ăn Tết. Hôm ấy ở xã Hiếu mưa rất to, nhưng suốt từ sáng tới chiều, người dân các làng vẫn nườm nượp đổ về sân vận động xã, gùi, gánh, mang xe máy chở hàng Tết về nhà..
 
Còn với các doanh nghiệp, để đưa được hàng hóa đến các vùng khó là cả một sự nỗ lực lớn lao, lợi nhuận không nhiều, thậm chí có khi phải bù lỗ. Thế nhưng, mục tiêu lớn nhất của họ không phải là bán được bao nhiêu sản phẩm, mà quan trọng qua mỗi phiên chợ, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, doanh nghiệp có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, sức mua của từng vùng, từng mùa để điều chỉnh sản xuất, lựa chọn mặt hàng phù hợp với người tiêu dùng nông thôn và tìm kiếm cơ hội đưa hàng vào hệ thống của các nhà phân phối, bán lẻ. Vì vậy, dù vất vả, dù trước mắt chịu thiệt thòi, song họ không nề hà.
 
Chương trình  đưa hàng Việt về nông thôn thực sự là một hoạt động mang lại nhiều lợi ích, tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn. Người dân ngày càng nâng cao kiến thức tiêu dùng cũng như trách nhiệm và niềm tự hào đối với sản phẩm hàng hoá trong nước; doanh nghiệp thì từng bước mở rộng được thị phần và đối tượng khách hàng, đưa hàng Việt phủ sóng rộng rãi trên thị trường...
 

Bình luận của bạn