Cần tích cực đưa hàng Việt về với công nhân

Với bốn triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của khu vực này rất lớn. Xây dựng các mô hình cung ứng hàng hóa Việt bền vững vào các KCN, KCX là cách làm hay, đang được triển khai bởi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Bộ Công thương trong năm 2018.

Nhu cầu cao
Những ngày tháng 9 nắng vàng như mật, trong không khí cả nước thi đua lao động sản xuất lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, đoàn công tác chúng tôi về với Hà Nam – vùng “cửa ngõ” Thủ đô, nơi tập trung rất nhiều KCN lớn để… đi chợ cùng với công nhân.

Vui vẻ dành cho chúng tôi một ngày, từ 5h sáng, chị Nguyễn Trâm Anh - công nhân may tại KCN Đồng Văn (Hà Nam) dẫn chúng tôi đến khu chợ của thị trấn Hòa Mạc để mua sắm. Chị chia sẻ, là bà mẹ của ba cô con gái, công việc hàng ngày của chị luôn tất bật. Công việc công nhân may mang lại cho chị khoảng 4,5-5 triệu đồng/tháng, chị cũng là lao động chính trong gia đình.

Chị Nguyễn Trâm Anh chia sẻ: “May mắn vì không phải ở trọ, nhưng số tiền này phải khéo thu vén lắm mới đủ chi tiêu trong gia đình”. Trước đây, sáng sớm mỗi ngày, chị thường tranh thủ thời gian dậy sớm, mua thực phẩm từ chợ của thị trấn Hòa Mạc, hoặc tranh thủ sau giờ làm chiều để mua sắm. Tuy nhiên, thực phẩm sau giờ làm chiều thường không tươi, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chưa kể, với những ngày phải tăng ca, chị gần như không có thời gian mua sắm. “Giống như nhiều chị em công ty, tôi chỉ mong có một điểm mua sắm hàng hóa gần công ty với giá cả phải chăng, chất lượng tốt. Nếu được, có thể giảm giá hoặc cho phép chúng tôi trả vào kỳ lương”, chị Nguyễn Trâm Anh nói.

Đặc biệt ủng hộ cho hàng Việt Nam, chị Đặng Thị Khiện – công nhân tại Công ty Than Hà Lầm (Quảng Ninh) cho biết, chị thường mua hàng hóa ở chợ hoặc các siêu thị như Big C, MM Mega Market... Tuy nhiên, có những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, hoặc đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “So với hàng cùng loại của Thái-lan, các sản phẩm như quần áo, giày dép… của Việt Nam chưa thực sự đa dạng về mẫu mã, giá còn cao so với đồng lương công nhân”, chị Khiện bộc bạch.

Thu nhập có hạn, nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, công nhân là lực lượng người tiêu dùng đông đảo, có nhu cầu lớn với hàng hóa chất lượng, giá phải chăng. Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho hay, tính chung, người lao động làm việc tại KCN, KCX vào khoảng bốn triệu người trên tổng số 20 triệu công nhân trên cả nước, là lực lượng tiêu dùng lớn.

Để nâng cao ý thức tiêu dùng hàng hóa Việt cho công nhân, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) rất quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Việt Nam. Hằng năm, TLĐLĐVN đều có văn bản gửi tới các cấp công đoàn, vận động đoàn viên công đoàn ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam, vì ủng hộ hàng Việt Nam chính là thêm cơ hội củng cố việc làm của chính công nhân. “Nhờ đó, nhận thức của người lao động về ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước dần được nâng cao. Thị trường đã có, tâm lý của người tiêu dùng cũng có, quan trọng là liệu DN có tận dụng được cơ hội này không?”, ông Vũ Mạnh Tiêm đặt câu hỏi.

Đưa hàng Việt về KCN thông qua các phiên chợ

Để đẩy mạnh đưa hàng hóa Việt về các KCN, KCX, thời gian qua, thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các địa phương đã tổ chức được hơn 3.000 đợt bán hàng về nông thôn, KCN, KCX. Đây là hoạt động thường niên, mang lại hiệu quả rõ nét.

Bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Big C khu vực phía bắc chia sẻ, thời gian qua, Big C đã tổ chức nhiều buổi bán hàng lưu động tại các khu vực tập trung nhiều KCN như Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Hàng hóa đưa về khu vực này chủ yếu là hàng thiết yếu, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng. Big C cũng song song tổ chức các chương trình giảm giá, tặng quà nên hầu hết các chương trình thu hút rất đông công nhân đến mua sắm.

Bà Nguyễn Kim Dung - Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội chia sẻ thêm, đưa hàng Vệt về nông thôn, KCN là chương trình xuyên suốt kể từ khi Co.op Hà Nội được thành lập. Mỗi năm, Co.op tổ chức tối thiểu 10-12 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, KCN. Khi đưa hàng Việt về nông thôn, KCN, KCX, 100% hàng hóa được bán cho người tiêu dùng với giá gốc. Người tiêu dùng còn được hỗ trợ thêm từ các chương trình khuyến mãi như tặng quà kèm theo, tích điểm… “Do bán giá gốc nên các chương trình hầu như không mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho DN. Nhưng xác định đây là hoạt động ý nghĩa, đồng thời góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu cho DN nên Co.op luôn chú trọng triển khai. Từ các hoạt động đó, đối tượng người tiêu dùng là công nhân cũng biết đến và ưu tiên hơn trong sử dụng hàng hóa Việt Nam tại hệ thống Co.op Mart”, bà Nguyễn Kim Dung nhấn mạnh.

Về phía công nhân, chị Đặng Thị Khiện cho hay, các phiên chợ hàng Việt về các KCN là cơ hội để chị mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam với giá cả phải chăng. Thông thường vào các phiên chợ, chị tranh thủ mua thêm một số hàng hóa thiết yếu dự trữ trong nhà, vừa phòng khi bận làm không kịp mua, vừa để nhận được một số sản phẩm khuyến mại tặng kèm.

Tìm cách đưa hàng Việt vào KCN, KCX

Xác định không thể triển khai các phiên chợ hàng Việt về KCN lâu dài, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), thời gian qua, Bộ Công thương đã có công văn gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc đẩy mạnh đưa hàng Việt về KCN, KCX theo 3 hình thức: Xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam gần các KCN; tổ chức các đợt bán hàng giảm giá cho công đoàn viên có thẻ đoàn viên; hỗ trợ kết nối đưa hàng hoá trực tiếp đến các KCN theo đơn hàng của công đoàn đứng ra tổ chức mua và phân phối.

Đến nay, Bộ Công thương đã nhận được sự hưởng ứng của các địa phương và DN. Ngay trong Tháng Công nhân năm 2018 (tháng 5/2018), Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã triển khai chương trình khuyến mại giảm giá 3% tổng giá trị toàn bộ đơn hàng cho người mua có thẻ đoàn viên công đoàn tại chuỗi siêu thị, cửa hàng Hapromart, Haprofood tại Hà Nội. Tập đoàn Dệt may Việt Nam áp dụng chương trình giảm giá bán trực tiếp trên sản phẩm may mặc cho người lao động tại các hệ thống cửa hàng giới thiệu và sản phẩm của đơn vị, tại các hệ thống đại lý vào đúng dịp Tháng Công nhân… Đây sẽ là hoạt động không chỉ triển khai trong năm nay mà sẽ còn được kéo dài trong Tháng Công nhân những năm tới.

Về phía các DN, đẩy mạnh xây dựng các điểm bán hàng cố định cho công nhân là hoạt động trọng tâm. Trong đó, Điểm bán hàng Việt Nam tại siêu thị LanchiMart Đồng Văn (Hà Nam) là một trong những điểm tiêu biểu. Đi vào hoạt động từ năm 2015, chị Nguyễn Trâm Anh chia sẻ, kể từ khi điểm bán hàng này đi vào hoạt động, chị đã có thể mua sắm hàng hóa dễ dàng hơn sau giờ làm. “Điểm bán hàng Việt Nam này có rất nhiều chương trình khuyến mãi, nhiều mặt hàng thực phẩm, rau quả, đồ ăn được chế biến sẵn với giá cả phải chăng, rất phù hợp với công nhân. So với việc phải đi chợ vào sáng sớm hay chiều muộn như trước kia, từ khi điểm bán đi vào vận hành, chị em công nhân nữ chúng tôi nhàn hơn rất nhiều” – chị Trâm Anh vui vẻ khoe.

Bà Nguyễn Thị Hải Thanh- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hapro cho hay, Hapro xác định công nhân ở KCX, KCN là khách hàng tiềm năng và phục vụ trong nhiều năm nay. Do đó, tại Hà Nội, Tổng công ty đã có hai siêu thị đặt gần các KCN Nam Thăng Long, Bắc Thăng Long chuyên phục vụ đối tượng là NLĐ có thu nhập vừa phải. Hằng năm, Hapro cũng làm việc với các KCN để tổ chức hội chợ Tết, kết hợp chương trình bình ổn giá phục vụ cho người lao động.

Trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, đã có 104 điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng. Trong đó nhiều điểm được thiết lập tại khu vực có nhiều KCN, KCX của Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương... Sau hai đến ba năm xây dựng, các điểm bán này vẫn duy trì được doanh thu cao, khách hàng đông đảo, cho thấy việc xây dựng các điểm bán hàng tại các KCN là việc làm đúng đắn trong việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho công nhân, mở thêm thị trường cho các DN Việt.

 

Bình luận của bạn