Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn: Hiệu quả kép ở Sơn La

Nhằm tạo điều kiện cho người dân tại các khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) quảng bá sản phẩm, trong những năm qua, mỗi năm, Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều phiên chợ về các huyện vùng núi, huyện biên giới... Các phiên chợ đã tạo được hiệu quả kép khi giúp DN quảng bá sản phẩm, giúp người tiêu dùng quen thuộc và ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt cho nhu cầu tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương Sơn La, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), những năm gần đây, nhu cầu sử dụng hàng Việt chất lượng, giá phải chăng của người dân trên địa bàn rất lớn, nhất là ở những vùng khó khăn. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi tràn lan đã làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng. Do đó, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là cơ hội tốt để người dân được mua sắm hàng hóa thiết yếu với chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý. Đây là lý do Sở Công Thương Sơn La tích cực tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; các hội chợ hàng Việt chất lượng cao phục vụ các dịp đặc biệt trong năm.

Riêng trong năm 2017, sở đã tổ chức 14 hội chợ tại 12 huyện, thành phố, với trên 1.200 gian hàng, tổng giá trị trao đổi hàng hóa đạt khoảng 13 tỷ đồng, thu hút trên 150.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm. Trong đó có 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi. Tại phiên chợ, DN chú trọng đưa về các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; đồ gia dụng; đồ điện… với chất lượng cao, giá cạnh tranh. Người tiêu dùng còn được nhiều DN tư vấn các thông tin cần thiết, hướng dẫn về cách phân biệt hàng thật- giả, cách sử dụng sản phẩm đúng kỹ thuật nên nhận được sự hưởng ứng rất lớn của người tiêu dùng. Nhờ đó, doanh số bán hàng không ngừng gia tăng.

Được người tiêu dùng đón nhận, DN càng tích cực tham gia các hội chợ, phiên chợ này. Theo Sở Công Thương Sơn La, nếu như những năm đầu tiên, phải khuyến khích thì đến nay, hầu hết các DN đã chủ động tham gia các hoạt động này. Tại đây, DN có cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm của mình tới tận tay người tiêu dùng. Đồng thời, thông qua các phiên chợ, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ có đánh giá đầy đủ, tốt nhất về thị trường địa phương, DN sẽ trực tiếp biết được ý kiến của người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình, từ đó có điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Để hỗ trợ DN có điểm bán hàng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, từ năm 2015 đến nay, Sở Công Thương Sơn La đã xây dựng được 7 Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giúp nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh. Thống kê của Sở Công Thương Sơn La cho thấy, hiện nay, tại các siêu thị, cửa hàng hay các khu chợ truyền thống tại các huyện, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm khoảng 60 - 80%. Đặc biệt, tại 7 Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng tại các huyện, tỷ lệ hàng Việt Nam lên đến 90 - 100%.

Nhân rộng những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Sơn La sẽ triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền, kết hợp tổ chức nhiều hơn các phiên chợ, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn để hàng Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Đặc biệt, tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam nhằm nhân rộng hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh.

Bình luận của bạn