Chương trình hàng Việt của TP. Hồ Chí Minh tạo hiệu ứng lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành

Sau 3 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các hoạt động quảng bá, kết nối doanh nghiệp (DN) và xúc tiến tiêu thụ hàng Việt trong các chương trình hành động của TP. Hồ Chí Minh đã tạo hiệu ứng lan tỏa ra các tỉnh, thành phố khác, nhất là thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trên cả nước.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận 107-KL/TW ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015-2017, diễn ra ngày 13/4, tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh - cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015-2017 được thực hiện với 5 năm nhiệm vụ, giải pháp gắn với Chương trình bình ổn thị trường, đã tạo điều kiện cho các DN sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển. Cuộc vận động đã góp phần gắn kết các DN, thúc đẩy nâng cao nhận thức của DN về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa. Các hoạt động quảng bá, kết nối DN và xúc tiến tiêu thụ hàng Việt trong các chương trình hành động của thành phố đã tạo hiệu ứng lan tỏa ra các tỉnh, thành khác, nhất là thông qua các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh, thành trên cả nước.

Hiện thành phố có trên 1.000 DN có sản phẩm đạt tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao. Hàng Việt Nam chất lượng cao phủ sóng trên nhiều kênh phân phối và chiếm tỷ lệ cao, chất lượng tốt, giá cả phải chăng đã tạo được niềm tin từ người tiêu dùng. Hiện tại, đa số hệ thống phân phối lớn đều tham gia hưởng ứng tốt chương trình hành động của thành phố nhằm thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với tỷ lệ hàng Việt phân phối từ 65-95%; riêng các hệ thống phân phối lớn trong nước như Co.opmart, Satra, Vinmart, Vissan… tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm từ 90-95% trên các quầy kệ.

Đặc biệt, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, khuyến khích người tiêu dùng hàng Việt, TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới các cấp ủy, các hội, tổ chức đoàn thể trên toàn thành phố; đẩy mạnh hỗ trợ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố nhằm tăng độ phủ sóng hàng Việt tới người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết một số hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện Cuộc vận động. Cụ thể là một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị quán triệt cuộc vận động chưa đúng mức, chưa cụ thể, công tác thông tin, tuyên truyền tới người tiêu dùng còn hạn chế. Bên cạnh đó, đa số các DN Việt có quy mô nhỏ và vừa, công nghệ lạc hậu, hạn chế năng lực cạnh tranh nên gặp khó khăn trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, hàng hóa ngoại nhập ngày càng xâm nhập sâu rộng tại thị trường nội địa.

Để việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả, đại diện Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận Tân Bình kiến nghị, về phía Nhà nước cần tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra và xử phạt nặng các trường hợp sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Về phía nhà sản xuất cần đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành, cam kết sản xuất hàng hóa chất lượng cao với giá cả phù hợp để thu hút người tiêu dùng ngày cảng đông đảo, lâu dài.

Chỉ đạo tại hội nghị, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị thành phố trong thời gian tới tiếp tục triển khai thực hiện đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, nghiên cứu ban hành các chính sách khuyến khích DN tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển công nghiệp hỗ trợ; khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính nếu còn vướng mắc. Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm và tăng cường công tác quản lý thị trường tại địa bàn thành phố nhằm tạo môi trường lành mạnh cho hàng hóa Việt Nam chất lượng.

Bình luận của bạn