Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường
Dồn sức hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, kết nối các hoạt động để tạo ra sản phẩm có chất lượng cho thị trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với thực hiện các nhiệm vụ của thành phố... là những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của CVĐ.
Đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đặt ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Vũ Hồng Khanh chủ trì ngày 17-1.
Đưa hàng Việt về nông thôn
Theo Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, bằng các hoạt động thiết thực, như: Đưa hàng Việt về nông thôn, nhận diện hàng Việt, xây dựng các điểm bán hàng Việt, "Tuần hàng Việt", "Tháng khuyến mãi", sinh viên với hàng Việt, kết nối nhà sản xuất - phân phối với người tiêu dùng… CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, sản phẩm của các DN trong nước chiếm ưu thế lớn trong cơ cấu hàng hóa phục vụ Tết trong hệ thống siêu thị Hapro Mart. Hàng nội được DN lựa chọn dự trữ phục vụ Tết có mẫu mã không thua kém hàng ngoại, song giá thành lại thấp hơn. Các thương hiệu thực phẩm trong nước đã khẳng định được uy tín, chất lượng, như: Bánh kẹo Bibica, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, Vissan được bày ở những vị trí trang trọng trong siêu thị. "Bánh kẹo có xuất xứ Việt Nam, thực phẩm Tết, đặc sản vùng miền… đã chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng tìm mua nhiều trong dịp Tết này" - ông Nguyễn Tiến Vượng nói.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND TP Hà Nội về bình ổn thị trường và phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức các chương trình hội chợ hàng Việt phục vụ nhân dân ở các quận, huyện, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp. Tính đến nay, đối với các quận nội thành, đã có 12 DN tổ chức các hội chợ phục vụ nhân dân. Đối với các huyện ngoại thành, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Mê Linh, thị xã Sơn Tây và Khu công nghiệp Đông Anh tổ chức 5 hội chợ Tết và hơn 100 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, để những chuyến hàng Việt về nông thôn đạt kết quả tốt hơn, cùng với những giải pháp thiết thực của các sở, ngành trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng số chuyến bán hàng, DN rất cần được tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển điểm bán cố định tại địa phương. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự liên kết hiệu quả giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giúp các DN giới thiệu, khai thác nguồn hàng đa dạng, với chất lượng và giá cả hợp lý từ các địa phương để đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Gắn cuộc vận động với các nhiệm vụ của thành phố
Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ TP Hà Nội cho biết, xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện CVĐ, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị thành viên, các quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền đến các cán bộ, công nhân, viên chức, các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; gắn CVĐ với việc thực hiện các nhiệm vụ của thành phố, đặc biệt chú trọng đến các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề, góp phần tạo môi trường thuận lợi giúp DN Việt đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đáng chú ý, các DN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Là một trong những DN chủ lực của Hà Nội, tích cực tham gia CVĐ từ những ngày đầu phát động, Công ty TNHH MTV Thống Nhất đã đầu tư thiết bị, ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản lý để tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã bền đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, đơn vị kiên quyết loại bỏ công nghệ sản xuất, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không mang lại hiệu quả để tập trung đầu tư, nâng cấp dây chuyền có công nghệ hiện đại. Đồng thời, Công ty chú trọng mở rộng kênh bán hàng, chi nhánh, đại lý để đưa sản phẩm đến rộng rãi hơn tới người tiêu dùng.
Để thực hiện tốt CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội kiêm Trưởng ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về CVĐ, xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể, lâu dài, đổi mới cả về thời lượng, nội dung, hình thức. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo chuyên đề để nâng cao nhận thức, trách nhiệm với hàng Việt của cả người tiêu dùng và DN. Bên cạnh việc vận động nhân dân dùng hàng Việt, thì việc phát động DN sản xuất nhiều hàng hóa chất lượng cao, giá cạnh tranh là vấn đề cốt lõi nhất. Nhà sản xuất làm ra những sản phẩm tốt, nhà phân phối không buôn bán hàng giả, kém chất lượng, nhà quản lý đưa ra những chủ trương tốt, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh và người tiêu dùng có ý thức tẩy chay hàng hóa không rõ nguồn gốc, ưu tiên sử dụng hàng Việt có chất lượng… chắc chắn hàng Việt sẽ có chỗ đứng vững vàng.