Để hàng Việt Nam "sống khỏe, sống bền" ở thị trường nông thôn

Chất lượng tốt, mẫu mã cải thiện ngày càng đẹp hơn, đa dạng chủng loại hơn và nhất là doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh kênh tiếp thị, mở rộng thị trường về nông thôn, khiến sức sống của hàng Việt Nam ở nông thôn ngày càng mạnh hơn.

Tiểu thương- kênh quảng bá hữu hiệu

Theo nhiều tiểu thương ở các chợ nông thôn, hiện nay giao thông đi lại thuận tiện, góp phần giúp giao thương phát triển, hàng hóa được đưa về nông thôn với nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Đây là điều đáng mừng bởi người dân sẽ không phải đi xa để mua hàng hóa như trước đây.

Tại nhiều chợ nông thôn, nhiều mặt hàng nội được trưng bày ra “mặt tiền”, tiểu thương cũng nhiệt tình giới thiệu, từ đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm... Trong đó, các loại sản phẩm đặc trưng cho từng vùng miền cũng được quảng cáo nhiều.

Chị Nguyễn Thị Hồng- tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít)- cho hay: “Tôi bán mười mấy năm rồi, chỉ bán hàng trong nước vì mẫu mã khá đẹp mà giá bán lại phù hợp với túi tiền của người dân ở đây.

Bên cạnh đó, mấy năm gần đây ngày có nhiều tiếp thị hàng Việt Nam đến giới thiệu, thường xuyên chăm sóc nhà phân phối, bán lẻ lại còn ghi nhận phản hồi từ người tiêu dùng nên khách hàng rất thích”.

Theo nhiều tiểu thương, để hàng Việt Nam tồn tại và đứng vững ở thị trường nông thôn cũng không phải là quá khó, chỉ cần sản phẩm nào nhanh chân đến trước và có kênh tiếp thị tốt, song song đó, chất lượng, giá cả cũng phải phù hợp với mức sống của người dân ở nông thôn.

Đồng thời, để trụ vững, DN phải đưa sản phẩm xuất hiện thường xuyên trên các quầy kệ để người mua nhìn thấy được, không được để “đứt” hàng.

Quan trọng hơn hết, kênh quảng cáo hiệu quả nhất để hàng Việt Nam đi vào lòng người tiêu dùng chính là thông qua tiểu thương.

Như cô Huỳnh Thị Bổi- chủ tiệm tạp hóa Tuấn Bổi (chợ Song Phú- Tam Bình)- cho hay: “Tôi thấy gần đây nhiều mặt hàng trong nước sản xuất bán rất chạy, giá cả, mẫu mã đều có cải thiện và tần suất xuất hiện ở các chợ nông thôn cũng nhiều hơn.

Tôi thấy thay vì đẩy mạnh thông tin quảng cáo trên ti vi, DN cần chú trọng kênh quảng bá từ nhà phân phối, tiểu thương bán lẻ ở nông thôn.

Bởi người tiêu dùng ở nông thôn nhận thức chưa nhiều về chất lượng của từng loại hàng hóa, đến mua, người bán tư vấn gì thì người tiêu dùng sẽ mua cái đó”.

Đang tư vấn một loại mỹ phẩm trong nước sản xuất, cô Bổi cho biết thêm: Tiểu thương tư vấn nhưng cũng phải biết chất lượng thật sự của sản phẩm, phải đảm bảo uy tín cho món hàng, vừa lợi cho mình, lợi cho người tiêu dùng, vậy mới tạo được lòng tin cho người tiêu dùng.

Sản phẩm có chất lượng, phù hợp với thị hiếu mà giá cả phải chăng thì mình mới “ca hát”, mới mạnh miệng giới thiệu được. Và chỉ có DN nào thật sự chất lượng, uy tín mới trụ vững được ở thị trường nông thôn.

Cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng

Song, khó khăn lớn hiện nay cho các DN Việt Nam mới muốn thâm nhập thị trường nông thôn là các nhà phân phối, điểm bán lẻ chỉ nhập hàng nào họ bán được, có doanh số.

Để thuyết phục họ bán những sản phẩm mới là rất khó. Do vậy, để phát triển cùng một lúc nhiều nhãn hàng, buộc các DN phải kiên trì.

Đồng thời, DN cũng phải mang đến những sản phẩm chất lượng tốt, để tránh tình trạng hàng hóa đã đến được nông thôn nhưng không thể giữ được thị phần.

Chị Thanh- tiểu thương chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít)- cho biết: Như một loại bột giặt trong nước sản xuất bán rất chạy, nhưng khi một sản phẩm khác của cùng công ty bán không chạy, không có chất lượng bằng nên khuyến mãi kèm theo và nâng giá lên, người tiêu dùng phản ứng, dần dần, thị phần của sản phẩm này cũng teo tóp dần.

Trong khi đó, chưa kể đến tình trạng, hiện nay, do ít hiểu biết về chất lượng hàng hóa, điều kiện kinh tế khó khăn, lại có tâm lý dễ dãi, thích hàng đẹp, giá rẻ,… nên người tiêu dùng, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thường mua nhầm phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Thời gian gần đây, tình trạng dùng xe tải nhỏ chở quần áo kém chất lượng về tiêu thụ ở thị trường nông thôn hoặc các loại từ mỹ phẩm, chén, thau, nồi, mùng, mền, gối... bày bán ở lề đường, vỉa hè ngày càng khá phổ biến.

Ghé một điểm bán quần áo ở lề đường gần thị trấn Long Hồ với giá 100.000 đ/3 áo sơ mi, hay đồ bộ 20.000- 30.000 đ/bộ, trong vai người mua, chúng tôi quan sát thấy chất vải cứng, dễ nhăn, đường chỉ may rất sơ sài.

Khi nghe hỏi về xuất xứ, người bán hàng đon đả quảng cáo: “đều là hàng Việt Nam bán xả kho nên để giảm giá”. Nhưng khi nghe thắc mắc không thấy nhãn mác, xuất xứ, người bán hàng liền tỏ thấy độ cau có, né tránh không trả lời.

Chú Nguyễn Văn Năm (xã Phú Đức- Long Hồ) cho biết: “Tôi thấy có nhiều người bán hàng đồ la hay bán hàng dạo hay mạo danh hàng của Việt Nam sản xuất nhưng chất lượng thì rất tệ, lại không có nguồn gốc rõ ràng, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các DN chân chính”.

Có thể thấy, mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã nỗ lực trong việc đấu tranh truy quét hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng tình trạng này vẫn tồn tại khá phổ biến, đặc biệt là ở thị trường nông thôn.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng, ban quản lý chợ, cần có biện pháp xử lý quyết liệt hơn để bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất chân chính cũng như bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Và hơn hết cũng cần phải có sự đồng lòng của cả các DN, không chỉ để bảo vệ chỗ đứng vững chắc trên sân nhà mà còn tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Bình luận của bạn