Để người sản xuất hàng Việt tại nông thôn, miền núi sống được với nghề

 Để người Việt dùng hàng Việt thì người sản xuất ra các sản phẩm hàng Việt tại các vùng nông thôn, miền núi sống phải sống được với nghề, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo đó, tại Hội nghị Tổng kế 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam "tại tỉnh Tuyên Quang, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, Ủy viên Ban chỉ đạo trung ương cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam nhấn mạnh đối với các địa phương như Tuyên Quang cần chú trọng thực hiện cuộc vận động đến tận các vùng nông thôn, miền núi, đảm bảo để người sản xuất, doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm hàng Việt sống được với nghề của mình.

Liên kết để tạo chuỗi giá trị

Đối với việc thực hiện cuộc vận động trong 10 năm qua của tỉnh Tuyên Quang, ông Hoàng Quang Phòng đánh giá cao những kết quả đã làm được, những cách làm sáng tạo của tỉnh trong việc hướng đến tạo ra các sản phẩm đặc thù, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương như Chè, Mận, Cam, mật ong,… cũng như một số sản phẩn lâm, công nghiệp khác.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch VCCI cũng lưu ý Tuyên Quang trong việc thực hiện cuộc vận động là cần chú trọng tạo ra liên kết giữa danh nghiệp, chính quyền và cộng đồng dân cư nhằm tạo ra hệ thống, chuỗi giá trị cho các sản phẩm đặc thù của địa phương để giải quyết bài toán hàng hóa của địa phương chưa thực sự phong phú, chất lượng chưa ổn định. Các sản phẩm “made in Tuyên Quang, in Việt Nam” có chinh phục được người tiêu dùng của Tuyên Quang và cả nước Việt Nam cần gắn với việc định hướng từ việc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt sang việc làm sao để hàng Việt có thể chinh phục được người tiêu dùng Việt.

Để đạt được những mục tiêu đó, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Ủy viên Ban chỉ đạo trung ương cuộc vận động Người Việt Nam đề nghị trong thời gian tới tỉnh Tuyên Quang cần tập trung vào việc một một số nội dung sau.

Đầu tiên, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền với các hình thức phong phú hơn để tạo nhận thức đến từng người dân, tiểu thương, nhà sản xuất và doanh nghiệp về tinh thần người Việt ưu tiên hàng Việt và hàng Việt chinh phục người Việt.

Thứ hai là cần làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng nhất nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất, Hợp tác xã, tiểu thương và doanh nghiệp cũng như liên kết tất cả các thành phần đó vào chuỗi giá trị khép kín, tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả mang thương hiệu địa phương.

Thứ ba là sớm động viên bản thân các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với trọng tâm là Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nhằm liên kết, thiết lập thị trường nội bộ cũng như đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội, tổ chức trong cả nước để tạo mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của nhau.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng phương thức sản xuất theo hướng “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” như bấy lâu nay cần được xem xét lại, trong 10 năm qua, với việc thực hiện cuộc vận động, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc được nâng lên cao, tuy nhiên để tiếp tục được duy trì và phát triển tinh thần của cuộc vận động lên cao hơn nữa thì trong thời gian tới các hộ sản xuất, HTX và đặc biệt là doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, giá trị phục vụ người tiêu dùng không chỉ trong tỉnh, trong nước mà hướng đến xuất khẩu. 

Để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đối với những vấn đề được Phó Chủ tịch VCCI, Ủy viên Ban chỉ đạo trung ương cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Hoàng Quang Phòng nêu ra, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Ủy Tuyên Quang khẳng định trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng, đồng bộ, ưu tiên người sản xuất, phân phối và tiêu dùng nhằm nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Tăng cường giới thiệu quảng bá, thực hiện mỗi xã một sản phẩm, những sản phẩm bản được, người sản xuất bán được tren sản phẩm đó, đảm bảo dân phải sống được từ sản phẩm đó, tránh hình thức.

Ngoài ra, một điểm mới được ông Thắng đưa ra đó là việc tổ chức các Hội chợ phải hướng đến việc ưu tiên hàng Việt, đặc biệt là hàng của địa phương vào bán nhằm quảng bá, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng như đưa các sản phẩm đặc sản của địa phương giới thiệu ra thị trường.

Bên cạnh những thuận lợi, có một thực tế là các sản phẩm hàng Việt, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp gắn với bà con nông dân vẫn còn nhiều hạn chế để tiếp cận đông đảo người tiêu dùng, đem lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Ông Nguyễn Bút Kỳ, Giám đốc Hợp Tác xã Nông Lâm nghiệp Nhữ Hán (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cho rằng rất cần có quỹ hỗ trợ HTX vào hoạt động để hỗ trợ các HTX hoạt động cũng như cần tạo điều kiện về địa điểm giới thiệu sản phẩm bới các HTX sản xuất ra các sản phẩm nông sản sạch nhưng không có nơi để bán. Do đó cần xây dựng đơn vị đầu mối để kết nối các HTX bởi hiện các HTX đang sản xuất ra sản phẩm và đã đăng ký nhãn hiệu nhưng với nguồn lực của bản thân các HTX thì rất khó có thể có cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Bà Đinh Thị Hương, Giám đốc Công ty CP Thương mại Tuyên Quang cũng cho rằng trong thời gian qua dù doanh nghiệp đã rất tích cực tham gia cuộc vận động, xây dựng chương trình hoạt động và có quầy bán hàng Việt Nam tại huyện Hàm Yên. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp thì các đoàn thể cũng cần vào cuộc, có thể hỗ trợ một phần về công tác vận chuyển về các vùng sâu, vùng xa đảm bảo giá thành cạnh tranh.

 

Bình luận của bạn