Điện Biên: Đưa hàng Việt đến vùng khó khăn

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Điện Biên luôn chú trọng triển khai các giải pháp đưa hàng Việt Nam đến với các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi. Xây dựng hệ thống phân phối ổn định cho sản phẩm cũng là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu.

Theo Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, trong năm 2017, tỉnh đã tổ chức thành công 10 hội chợ, với trên 700 gian hàng được giới thiệu, bày bán. Tỉnh còn chú trọng tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Điện Biên Đông… Đây đều là những địa phương khó khăn, nhu cầu về hàng hóa Việt có chất lượng cao và giá cả phải chăng rất lớn. Các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đều thu hút rất đông người tiêu dùng tham gia với doanh số khả quan.

Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng việc xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt rộng khắp và ổn định trên địa bàn. Nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2017, tỉnh đã xây dựng thành công 2 Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại Siêu thị Hoa Ba (TP. Ðiện Biên Phủ) và Ðại lý Hưng Loan (huyện Ðiện Biên). Hai điểm bán hàng này được Bộ Công Thương đánh giá cao. Nếu như Siêu thị Hoa Ba có nguồn hàng phong phú, đa dạng với hơn 90% sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ trong nước, lại được đặt ở trung tâm, khu vực đông người mua sắm thì Đại lý Hưng Loan lại là điểm đầu mối cho những tiểu thương trong vùng và các vùng lân cận và các tỉnh Bắc Lào tìm đến lấy hàng với giá bán sỉ. Hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ cao ở các điểm bán này không chỉ giúp người tiêu dùng mua được hàng Việt Nam có chất lượng mà còn giúp phát luồng hàng hóa Việt đến các khu chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Xác định doanh nghiệp (DN) là đối tượng trọng tâm, những năm qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ DN nâng cao chất lượng và quảng bá thương hiệu hàng hóa thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công, đào tạo nghề cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn. Năm 2017, Sở Công Thương tỉnh đã giành 800 triệu hỗ trợ cho 4 đề án khuyến công địa phương. Cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, DN, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng ưu tiên lựa chọn các nguyên, vật liệu trong nước để sản xuất ra các sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm hàng hóa được cải thiện đáng kể về mẫu mã, được người tiêu dùng ngày càng quan tâm. Nhiều mặt hàng sản xuất và chế biến trong tỉnh ngày càng có uy tín với người tiêu dùng và trở thành thế mạnh trong sản xuất của tỉnh cũng như trong cả nước như: Xi măng Điện Biên, Chè Tủa Chùa, Cà Phê Mường Ảng…

Bằng các giải pháp đồng bộ, đến nay, nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng Việt trên địa bàn tỉnh, đặc biệt của người dân các khu vực vùng sâu, vùng xa dần có chuyển biến tích cực, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng. Các cơ quan, đơn vị, DN, tổ chức chính trị - xã hội tích cực hưởng ứng cuộc vận động, thể hiện qua việc mua, sử dụng văn phòng phẩm, phương tiện, trang bị làm việc là sản phẩm được sản xuất trong nước.

Trong năm 2018, hoạt động trọng tâm để triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh là tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng. Bên cạnh đó, hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng Việt Nam, hàng thật, hàng giả; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN; đẩy mạnh công tác quản lý hàng hóa, giảm tối đa hàng hóa kém chất lượng trên thị trường; khuyến khích DN trưng bày và bán những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Bình luận của bạn