Điện Biên: Gặp khó khi đưa hàng Việt về nông thôn
Với đặc thù là tỉnh miền núi, địa bàn rộng, giao thông khó khăn, Điện Biên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Thêm nữa, nhiều doanh nghiệp không mặn mà hưởng ứng…
Khó khăn chồng chất
Bà Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) tỉnh Điện Biên - cho biết: Năm 2015, Điện Biên được phê duyệt 3 đề án XTTM quốc gia với 3 phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn. Theo đó, Trung tâm XTTM đã tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông. Mỗi phiên chợ có sự tham gia của 15 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh, thu hút khoảng 7.000 lượt khách đến tham quan mua sắm. Doanh thu trong 3 phiên chợ đạt gần 1,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do là tỉnh miền núi, giao thông không thuận tiện nên việc vận động DN lớn, uy tín, thương hiệu mạnh tham gia phiên chợ tại vùng sâu, vùng xa rất khó khăn. “Chúng tôi khó vận động được DN bởi DN sản xuất nằm ở địa bàn khác, chi phí vận chuyển hàng hóa, nhân lực phục vụ phiên chợ tốn kém, trong khi mức hỗ trợ của nhà nước chỉ có hạn”, bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ.
Bên cạnh đó, thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các phiên chợ. Điển hình như tháng 11/2015, Trung tâm XTTM tổ chức phiên chợ tại huyện Mường Nhé, mưa dầm dề mấy ngày trời, DN vận chuyển hàng lên đây gần như chỉ bày ra rồi lại phủ bạt kín, không bán được hàng.
Cơ sở hạ tầng dịch vụ, điện nước ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt ở vùng biên giới phục vụ hội chợ khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phiên chợ. Tuy nhiên, bà Minh thẳng thắn: Vận động được các DN uy tín đưa hàng hóa tham dự phiên chợ mới thực sự là vấn đề khó khăn nhất hiện nay.
Cần sự hỗ trợ đặc thù
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được phát động trên cả nước nhằm giúp người lao động khu vực nông thôn được tiêu dùng hàng hóa có chất lượng tốt, giá thành hợp lý và giúp DN sản xuất mở rộng thị trường. Tuy nhiên, trước hiện trạng khó khăn của tỉnh Điện Biên, việc triển khai chương trình khó thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, để chương trình đạt hiệu quả, chính sách hỗ trợ cho DN trực tiếp tham gia cần được cải thiện hơn nữa và có tính đặc thù. Cụ thể: Bộ, ngành giới thiệu DN trực tiếp sản xuất hàng tiêu dùng có chất lượng đến với tỉnh. “Chúng tôi mời trực tiếp là không mời được”, bà Minh thẳng thắn.
Ngoài ra, để khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2016, Trung tâm XTTM sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, trung tâm duy trì hoạt động có hiệu quả gian hàng trưng bày giới thiệu hàng hóa đặc trưng; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm thế mạnh của tỉnh như: Chè, cà phê, gạo…