Đưa hàng Việt lên miền núi: Cần cơ chế mạnh hơn
Lai Châu được đánh giá là thành phố đắt đỏ nhất cả nước - đánh giá của Tổng cục Thống kê đã khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên bởi đây là một trong những địa phương khó khăn nhất cả nước. Bên lề kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Bùi Đức Thụ - đoàn Lai Châu cho biết, nguyên nhân của tình trạng này do hầu hết hàng hóa tại địa phương này phải vận chuyển từ nơi khác đến. Công tác đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi cần những cơ chế mạnh hơn để giảm khó khăn cho địa phương.
Ông nhận định thế nào về việc Lai Châu được đánh giá là thành phố đắt đỏ nhất cả nước?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Qua đánh giá của Tổng cục Thống kê cũng như căn cứ vào thực tiễn mặt bằng giá trên địa bàn tỉnh Lai Châu thấy rằng đây là nơi đắt đỏ nhất. Điều này là rõ ràng vì Lai Châu là một tỉnh vùng núi Tây Bắc, địa bàn hiểm trở, không phù hợp phát triển nông nghiệp. Điều kiện chăn nuôi, phát triển hàng tiêu dùng, sản xuất thực phẩm, rau quả... cũng rất khó khăn và phần lớn từ miền xuôi chở lên. Do vậy, giá cả đắt đỏ cũng là đương nhiên.
Đại biểu Bùi Đức Thụ
Các chương trình hàng Việt được triển khai thời gian qua có tác dụng như thế nào trong việc bình ổn giá cũng như phục vụ bà con các tỉnh vùng cao, trong đó có Lai Châu, thưa ông?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là chủ trương đúng, nhằm giải quyết đầu ra cho sản xuất. Đặc biệt trong hoàn cảnh doanh nghiệp trong nước đang hết sức khó khăn và khâu tiêu thụ hàng hóa chính là yếu tố then chốt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện tốt chủ trương này cần phải có cơ chế chính sách đặc biệt để hàng Việt Nam có thể tiếp cận được những nơi ở vùng sâu, vùng xa và vùng núi như Lai Châu để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo đời sống của nhân dân. Thực tế thời gian qua cho thấy, kết quả của việc đưa hàng Việt lên vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn hết sức khiêm tốn bởi cơ chế hỗ trợ dù đã có nhưng chưa đủ mạnh.
Để đưa hàng hóa lên miền núi, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp rất lớn. Hơn nữa, thu nhập của người dân thấp nên khả năng tiêu thụ hàng hóa ở vùng này nhỏ và doanh số thu được của doanh nghiệp còn hạn chế, lợi nhuận không cao. Do vậy, việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó có đưa hàng hóa từ miền xuôi lên miền núi, vùng sâu, vùng xa của chúng ta mới đạt được ở mức khiêm tốn, bước đầu.
Với thực tế của Lai Châu, thời gian tới, để kéo giảm mặt bằng giá nói chung cũng như đảm bảo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt, theo ông cần có những cơ chế đặc thù gì?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Để kéo giảm giá mặt bằng giá cho đồng bào vùng cao nói chung và trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng, theo tôi, điều quan trọng nhất phải xử lý được quan hệ cung - cầu trên địa bàn.
Cung tại chỗ hiện đang nhỏ hơn cầu, do đó phải vận chuyển hàng hóa từ các nơi khác đến, cộng với các chi phí khác dẫn đến mặt bằng giá cao. Để khắc phục tình trạng, vấn đề gốc rễ là Nhà nước phải rà soát lại quy hoạch, kế hoạch và cần có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển kinh tế của miền núi nói chung và địa bàn Lai Châu nói riêng.
Đặc biệt, phải phát triển được những ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của dân ngay trên địa bàn đó. Phải quy hoạch lại sản xuất, quy hoạch phát triển hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, rau quả... để đáp ứng được yêu cầu của người dân. Mọi quy hoạch, kế hoạch phải phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện tự nhiên của sản xuất, đảm bảo phát huy lợi thế so sánh phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, địa hình của vùng này.
Bên cạnh đó, Nhà nước phải có những chính sách để điều hòa, lưu thông, phân phối hàng hóa một cách hợp lý, thông suốt. Muốn như vậy, ngoài việc phát triển cơ sở hạ tầng để hàng hóa lưu thông thuận lợi thì cần những chính sách hỗ trợ để chuyển hàng hóa lên vùng sâu vùng xa như chính sách mà chúng ta đã làm đối với một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, trong những thời điểm giáp Tết...
Để giải quyết được tất cả những vấn đề nêu trên, cần rà soát lại để ban hành những cơ chế chính sách nhằm đảm bảo điều hòa được hàng hóa giữa các vùng miền và đáp ứng yêu cầu của cư dân vùng sâu, vùng xa, miền núi mà cụ thể là cư dân địa bàn tỉnh Lai Châu.
Xin cảm ơn ông!