Đưa hàng Việt về nông thôn - Kinh nghiệm từ Hà Giang

Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động trọng tâm của Hà Giang trong suốt thời gian qua. Về lâu dài, mục tiêu của địa phương này là làm sao để hàng Việt “bám rễ” vùng khó khăn.

Những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn thu hút rất đông người tiêu dùng

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, sau 6 năm triển khai, một trong những hoạt động quan trọng nhất Sở Công Thương Hà Giang chú trọng thực hiện là đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Sở Công Thương tỉnh Hà Giang đã phối hợp với UBND các huyện và các đơn vị liên quan tổ chức 59 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới trên địa bàn.

Ông Mai Văn Sướng – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang- cho hay, những năm đầu tiên, nhận thức của bà con còn hạn chế, trước khi tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, Sở Công Thương Hà Giang đã tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu thiết yếu về hàng hóa và thu nhập của nhân dân tại từng địa phương. Từ đó, chiêu thương các doanh nghiệp và chuẩn bị các mặt hàng phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân. Các hình thức tuyên truyền cũng được phổ biến sâu rộng tới nhân dân bằng hàng loạt các hình thức dễ hiểu, dễ nhận biết về phiên chợ như phát trên loa đài, cho xe chở băng rôn quảng cáo phiên chợ về sâu các khu vực dân cư… Nhờ đó, các phiên chợ đã thu hút được đông đảo người dân đến tham gia và mua sắm. Mỗi phiên chợ thường kéo dài 3 – 5 ngày, thu hút được trên 3.000 lượt nhân dân đến tham gia và doanh thu ước đạt trên 300 triệu đồng mỗi phiên.

“Khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa - nơi đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức của người dân về hàng hóa còn nhiều hạn chế, cộng với ý đồ trục lợi của một số tư thương… là địa bàn rất thuận lợi cho các loại hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng. Do đó, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới đã tạo điều kiện cho bà con có cơ hội tiếp xúc, nhận biết các hàng hóa do Việt Nam sản xuất đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, từ đó nâng cao nhận thức về mua sắm hàng hóa tiêu dùng” – ông Mai Văn Sướng chia sẻ.

Mặc dù đã đạt được một số thành công nhưng do địa bàn chủ yếu là đồi núi cao, đường giao thông còn nhiều khó khăn, địa điểm tổ chức các phiên chợ cách xa nhau (trung bình 100 km -150 km) nên ảnh hưởng rất lớn tới việc tổ chức các phiên chợ. Chính vì vậy, Hà Giang đang lên kế hoạch xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các vùng sâu trong khu dân cư.

Ông Mai Văn Sướng cho biết, trong năm 2015, Sở Công Thương Hà Giang đã xây dựng một điểm bán hàng đặt tại TP. Hà Giang kinh doanh các mặt hàng đặc sản. Không những cung cấp hàng hóa cho người dân địa phương, đây còn là điểm phát luồng hàng hóa đi các địa phương khác thông qua khách du lịch. Về lâu dài, Hà Giang đang xây dựng kế hoạch triển khai điểm bán hàng Việt tại các huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên các huyện khó khăn. Ngoài các mặt hàng là đặc sản của địa phương, Sở Công Thương Hà Giang còn định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu,  phục vụ nhân dân như quần áo, giày dép, thực phẩm và một số hàng hóa tiêu dùng khác… Với cơ cấu 100% là hàng Việt, các điểm bán hàng này sẽ giúp hàng Việt vào sâu các khu dân cư, giảm gánh nặng cho các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi.

Bình luận của bạn