Đưa hàng Việt về nông thôn: Hàng Việt cần đa dạng hơn

Người tiêu dùng mua hàng của Siêu thị CoopMart tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở huyện Đông Hòa - Ảnh: K.ANH

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hàng hóa được giới thiệu tại các phiên chợ hàng Việt chưa đa dạng về chủng loại, mẫu mã nên chưa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Theo Sở Công thương, từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị này đã tổ chức 12 đợt đưa hàng Việt về nông thôn tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, mỗi địa phương được thực hiện 2-3 điểm. Mỗi doanh nghiệp tham gia phiên chợ hàng Việt được hỗ trợ 70% kinh phí, 30% kinh phí còn lại là phần đóng góp của các doanh nghiệp. Chương trình được thực hiện từ nguồn kinh phí Xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương, nhằm tạo cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn vừa được thực hiện tại huyện Đông Hòa thu hút 13 doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia bán hàng với 23 gian hàng tiêu chuẩn (9m2/gian); 100% sản phẩm được giới thiệu đều là hàng Việt Nam, gồm: Lương thực, thực phẩm chế biến, đồ dùng gia đình, quần áo may sẵn, điện, điện tử, hóa mỹ phẩm các loại, giống cây trồng… Các gian hàng này thu hút rất đông người đến mua sắm. Tuy nhiên, với nhu cầu, thị hiếu mua sắm ngày càng được nâng lên của người tiêu dùng thì hàng hóa được giới thiệu tại phiên chợ vẫn chưa đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Bà Lương Thị Hồng Oanh ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, bày tỏ: Với người dân nông thôn thì phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn là cơ hội tốt để mua sắm hàng hóa, nhất là đồ dùng gia đình, thực phẩm thiết yếu. Vậy nhưng, phiên chợ hàng Việt lần này còn ít hàng hóa, chưa đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Còn ông Nguyễn Hữu Khương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, nói: Đưa hàng Việt về nông thôn là mô hình thiết thực, giúp người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận, mua sắm hàng Việt Nam. Nhưng qua khảo sát thực tế và ghi nhận ý kiến từ người dân thì các mặt hàng tham gia phiên chợ hàng Việt chưa thật sự phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay. Trong mỗi phiên chợ, lượng người đến tham quan và mua sắm rất đông. Do đó, các ngành chức năng, doanh nghiệp cần tăng thêm nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng.

Theo ông Lê Quốc Tín, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Hòa, trước đây, phiên chợ hàng Việt về nông thôn luôn tạo cho người dân không khí phấn khởi, bởi hàng hóa không chỉ nhiều mà chất lượng, giá cả cũng phù hợp. Nhưng thời gian gần đây, lượng hàng hóa giới thiệu trong các phiên chợ ngày càng ít dần. Để phiên chợ hàng Việt phát huy hiệu quả, thu hút được người dân thì hàng hóa cần phải đa dạng hơn. Các doanh nghiệp cần chú trọng chất lượng nguồn hàng, không bán hàng gần hết hạn sử dụng... Các ngành chức năng cần vận động thêm nhiều doanh nghiệp tham gia, tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa để bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng nông thôn.

Ông Lương Mộng Sanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, nhấn mạnh: Hiện người tiêu dùng đã dần thay đổi hành vi mua sắm theo hướng ưu tiên hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, người dân nông thôn còn có thể so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng nhập ngoại được bày bán trôi nổi trên thị trường.

Bình luận của bạn