Đưa hàng Việt về vùng khó

Cùng với việc đưa hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp, tỉnh Thái Nguyên còn gắn kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với hoạt động an sinh xã hội.

Cụ thể, chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu công nghiệp năm 2018 tại Thái Nguyên vừa được tổ chức tại 5 điểm ở 5 địa phương khác nhau từ 5 đến 23/6 tại các xã Linh Sơn, xã Hợp Tiến, huyện Đồng Hỷ; xã Phú Cường, huyện Đại Từ; phường Thắng Lợi, TP Sông Công ; xã Vạn Phái, thị xã Phổ Yên với sự tham gia của 27 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú, có giá bán bằng hoặc thấp hơn so với thị trường cùng thời điểm.

Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của địa phương, của tỉnh, giúp người tiêu dùng lựa chọn, ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.

Bà Đào Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Sông Công cho biết: Những năm gần đây, cuộc vận động đã dần làm thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người tiêu dùng trên địa bàn thị xã, bà con đã quan tâm nhiều đến hàng Việt.

“Tuy nhiên, để người dân thực sự ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngoài tăng cường quảng bá, giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng, các ngành chức năng cần phối hợp với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các kỳ hội chợ, phiên chợ để đưa hàng Việt về nông thôn. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại”, bà Thuỷ kiến nghị.

Tại xã Vạn Phái, thị xã Phổ Yên, người dân cũng được tiếp cận với nguồn hàng Việt có giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo. Đại diện MTTQ xã Vạn Phái cho rằng: Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu công nghiệp năm 2018 tại Thái Nguyên đến với xã Vạn Phái nhằm thực hiện kích cầu tiêu dùng nội địa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân địa phương.

Hoạt động đưa hàng Việt về miền núi nhằm nâng cao ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng và trong nước nói chung tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Đặc biệt trong Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu công nghiệp năm 2018, Ban Tổ chức chương trình đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó ở địa phương với tổng giá trị quà tặng trên 300 triệu đồng.

Việc lồng ghép công tác an sinh xã hội trong Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” được ngành Công Thương triển khai những năm qua đã thực sự mang lại hiệu quả.

 

Qua đó, lồng ghép hoạt động an sinh xã hội trong các chương trình, sự kiện của tỉnh ngày càng phổ biến hơn, không chỉ góp phần tạo sức hút mạnh mẽ cho các chương trình, sự kiện mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì cộng đồng xã hội, vì người có hoàn cảnh khó khăn.

Theo bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại -Sở Công Thương Thái Nguyên, trước đây khi tổ chức các chương trình tiêu dùng hàng Việt, phần lớn người dân nhận thức đó là những phiên chợ nhỏ lẻ, hàng hóa nghèo nàn, nên thiếu sức hút.

Từ khi công tác an sinh xã hội được lồng ghép, chương trình đã phát huy hiệu quả rất lớn. Số lượng người dân tham gia mua sắm, tiêu dung hàng Việt ngày càng đông hơn trước, từ đó nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mọi người, nhất là đồng bào vùng nông thôn, miền núi đối với về việc ưu tiên sử dụng hàng Việt.

Bình luận của bạn