Hà Nội: Dày đặc những chuyến xe đưa hàng Việt về nông thôn


Người dân xã Ðồng Tân, huyện Ứng Hòa mua sắm hàng Tết.

Mỗi dịp Tết đến, người dân khu vực ngoại thành, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội lại mong đợi những phiên chợ Tết, những chuyến hàng lưu động mà thành phố và các doanh nghiệp tổ chức. Chương trình đã trở thành địa chỉ mua sắm Tết uy tín đối với những người nông dân, công nhân.

Chưa đến giờ khai mạc, nhưng những gian hàng tại chợ Tết do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức tại xã Ðồng Tân, huyện Ứng Hòa đã nô nức người dân đến mua sắm. Chị Vương Thu Hòa (ở thôn Chấn Kỳ, xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa) cho biết: "Trước đây, chúng tôi phải đi hơn 20 km mới đến siêu thị mua sắm Tết. Từ hồi có mô hình chợ Tết tổ chức ngay trên địa bàn, việc mua sắm rất thuận tiện". Bác Nguyễn Thị Tâm (ở thôn Xuân Tình, xã Ðồng Tân, huyện Ứng Hòa) cũng chia sẻ, dù ở ngoài chợ đã bày bán nhiều mặt hàng Tết, nhưng tôi vẫn chờ tới ngày khai mạc chợ Tết Hapro. Như năm ngoái, gia đình tôi đã sắm sửa đủ bánh kẹo, đồ gia vị, thực phẩm, cả quần áo mới làm quà cho các cháu tại các gian hàng của Hapro. Tôi thấy hàng hóa chất lượng, mà mức giá lại phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn, yên tâm hơn nhiều khi mua hàng hóa trôi nổi bên ngoài".

Chương trình chợ Tết của Hapro tại xã Ðồng Tân kéo dài từ nay đến hết ngày 11-2. Ðể người dân cảm nhận được không khí Tết, doanh nghiệp đã mang đến nhiều sản phẩm truyền thống như bánh chưng, giò chả, rượu vang, bánh mứt kẹo, gạo… cùng các sản phẩm thời trang, đồ gia dụng. Ðồng thời, Hapro bày bán thêm các mặt hàng trong Chương trình dự trữ, bình ổn giá của thành phố như gạo, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Ðây là năm thứ ba Hapro tổ chức phiên chợ Tết và năm nào cũng được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Mô hình chợ Tết của Hapro là một trong số các hoạt động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân các huyện ngoại thành, cũng như công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. Sở Công thương Hà Nội phối hợp các doanh nghiệp sẽ tổ chức thêm mười phiên chợ tại các huyện Mê Linh, Ðông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Thạch Thất và Ðan Phượng. Ðồng thời, triển khai 200 chuyến bán hàng Việt lưu động tại các huyện và Hội chợ hàng Việt tại huyện Ba Vì. Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp sẽ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 về phục vụ người dân khu vực ngoại thành. Nhiều cơ sở sản xuất hàng truyền thống ngay tại các huyện cũng tham gia chương trình. Bên cạnh đó là các sản phẩm đặc sản vùng miền của các địa phương như Sơn La, Ðiện Biên, Bình Thuận, Phan Thiết.

Tại các phiên chợ Tết được tổ chức thời gian qua, hầu hết các mặt hàng bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, cho nên ngày càng được người dân tin cậy. Ðại diện siêu thị Saigon Coopmart (đường Nguyễn Trãi, quận Hà Ðông) Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ: "Tham gia các chuyến bán hàng lưu động hoặc tổ chức chợ Tết, đưa hàng Tết về nông thôn, doanh nghiệp gần như không đặt vấn đề lợi nhuận. Nhiều mặt hàng doanh nghiệp chỉ bán bằng giá vốn, còn kèm tặng đồ khuyến mại. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn tích cực tham gia chương trình để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con, cũng mong được đưa những sản phẩm có chất lượng và giá cả phải chăng về các khu vực xa trung tâm. Ðồng thời, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể quảng bá thương hiệu rộng rãi hơn".

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đánh giá, việc đưa hàng Tết nói riêng và hàng Việt nói chung về các vùng nông thôn, ngoại thành, khu công nghiệp là hoạt động thường niên của thành phố. Chương trình có sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp nhằm tích cực hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các chương trình đã tạo cơ hội cho người dân khu vực ngoại thành dễ dàng mua sắm hàng hóa có chất lượng, bảo đảm mà không phải đi lại vất vả. Ðồng thời, cũng là dịp để các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng các khu vực xa trung tâm, tìm kiếm cơ hội phát triển hệ thống đại lý tại các vùng nông thôn.

Thu nhập của người dân khu vực ngoại thành còn hạn chế, cho nên tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn phổ biến. Do đó, Sở Công thương yêu cầu các doanh nghiệp tham gia các chuyến hàng lưu động, các phiên chợ Tết phải bảo đảm chất lượng hàng hóa tốt, mẫu mã đẹp, an toàn và có mức giá hợp lý, phù hợp với người dân. Ðể những chuyến hàng lưu động, những phiên chợ Tết do thành phố và các doanh nghiệp lớn tổ chức tiếp tục là địa chỉ tin cậy cho người dân vùng ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bình luận của bạn