Hàng Việt 'nhắm' đến công nhân
Phiên chợ hàng Việt, hội chợ hàng Việt, điểm bán hàng Việt... là những cách làm đa dạng để hàng Việt Nam có thể đến tay công nhân lao động, người thu nhập thấp với chất lượng tốt và giá cả phù hợp.
Hơn 4 triệu người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên cả nước là đối tượng quan trọng mà cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt" nhắm tới. Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động của các cấp, các ngành hướng đến nhóm đối tượng này.
Tuy nhiên, để hàng Việt Nam đến gần hơn với công nhân lao động, nhiều ý kiến cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ngành Công thương cần phối hợp tổ chức đưa hàng Việt về KCN, KCX theo nhiều hình thức khác nhau, phù hợp nhất với đặc thù làm việc của công nhân.
Công nhân ưu tiên hàng tốt, giá rẻ
Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ý thức tiêu thụ hàng nội địa của người tiêu dùng Việt Nam nói chung và công nhân lao động đang làm việc tại các KCN, KCX đã được nâng lên đáng kể. Từ chỗ ưa chuộng hàng hóa trôi nổi do có giá rẻ (đa phần là hàng Trung Quốc), đến nay, họ đã biết cách lựa chọn những mặt hàng cùng chủng loại do Việt Nam sản xuất, với giá thành hợp lý.
Theo chân chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân Công ty TNHH Cammsys Việt Nam (KCN Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đi chợ một ngày, chúng tôi mới hiểu hết tâm tư của các công nhân lao động trong mối lo cơm áo gạo tiền thường ngày.
Cũng như nhiều công nhân khác thường đi chợ gần nhà để mua sắm vào sáng sớm hay sau giờ làm, chị Tươi luôn ưu tiên các sản phẩm mà chị biết rõ về thương hiệu, đồng thời có giá phù hợp với mức lương. Với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng và phải lo cho 2 con đang tuổi ăn học, chị Tươi phải tằn tiện chi tiêu mới không bị "thiếu trước hụt sau".
Gần đây, quanh KCN chị đang làm việc thường xuyên có các phiên chợ hàng Việt Nam do Ban quản lý KCN liên kết với các doanh nghiệp thực hiện. Hàng hóa có giá phải chăng, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm sinh hoạt. Được tuyên truyền ưu tiên sử dụng hàng Việt, chị cũng giống như nhiều chị em công nhân khác đã dần sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Theo chị Nguyễn Thị Tươi, so với hàng cùng loại của Thái Lan, hàng Việt Nam chưa đa dạng về mẫu mã, giá còn hơi cao so với thu nhập của công nhân, nhưng nói chung vẫn có thể chấp nhận được.
Công nhân tại các KCN, KCX trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng hơn 80.000 người. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên. Đây là lực lượng tiêu dùng lớn. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam, có văn bản gửi tới các cấp công đoàn, vận động công nhân ưu tiên sử dụng sản phẩm của Việt Nam, vì ủng hộ hàng Việt Nam chính là thêm cơ hội củng cố việc làm của chính công nhân.
Tính đến hết tháng 4/2019, Vĩnh Phúc đã tổ chức trên 40 hội chợ kích cầu tiêu dùng, trên 56 phiên chợ hàng Việt, 270 điểm bán hàng lưu động. Doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng và thu hút trên một triệu lượt khách tham quan, mua sắm hàng hoá.
Trong khi đó, anh Dương Huy Bình, công nhân một xưởng in ấn tại KCN Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, gần đây, do nhu cầu mua sắm của công nhân ngày một cao nên xung quanh KCN mọc lên rất nhiều cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini. Tại đó có rất nhiều chủng loại hàng hóa, trong đó phần nhiều là hàng Việt.
Tuy vậy, anh Bình và nhiều công nhân khác vẫn chọn mua hàng tại các điểm bán hàng Việt trong KCN do mua hàng tại đây được nhiều ưu đãi về giá. Anh Bình may mắn vì không phải ở trọ như một số công nhân ngoại tỉnh khác, nhưng số tiền lương 5 - 6 triệu đồng/tháng thì anh cũng phải khéo thu vén mới đủ chi tiêu gia đình.
"Chúng tôi mong điểm bán hàng Việt gần công ty sẽ được duy trì lâu dài, với giá cả phải chăng, hàng hóa chất lượng tốt. Nếu được, có thể giảm giá thêm cho công nhân”, anh Bình kỳ vọng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Giai đoạn 2009 - 2019, Sở đã phối hợp tổ chức 3.200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng đến các bếp ăn tập thể tại các khu, cụm công nghiệp, vùng sâu, vùng xa phục vụ nhân dân, người lao động trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, có các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá cung ứng nhiều sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn, từ đó người tiêu dùng có ý thức hơn trong việc ưu tiên, sử dụng hàng Việt Nam chất lượng.
Muốn làm tốt, phải hiểu tâm lý công nhân
Nước ta hiện có 325 KCN, KCX và gần 5 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại đây, sản xuất hơn 50% số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tại chương trình tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đời sống của công nhân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thu nhập chưa đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu.
Thời gian của công nhân chủ yếu đi làm, thời gian được nghỉ lại tranh thủ làm thêm giờ để tăng thu nhập, quỹ thời gian còn lại dành cho gia đình, nghỉ ngơi, do đó hầu như không có thời gian cho việc tìm hiểu về các hàng hóa thương hiệu Việt.
Để hoạt động quảng bá hàng Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn, tiết giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho công nhân, theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ thông tin giúp công nhân phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; đồng thời cần làm tốt việc kiểm soát, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu, mất an toàn vệ sinh thực phẩm thâm nhập vào địa bàn các KCN.
"Người lao động thường làm việc tăng ca, thêm giờ nên các điểm bán hàng tại các KCN cần bố trí làm việc theo thời gian tăng ca để công nhân có điều kiện mua sắm hàng hóa. Đồng thời tổ chức theo nhiều hình thức như phiên chợ, hội chợ hay điểm bán hàng cố định, phù hợp với nhu cầu khác nhau của công nhân", đại diện Tổng Liên đoàn kiến nghị.
Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã triển khai nhiều hoạt động đưa hàng Việt đến với người lao động, cụ thể, tổ chức gần 4.000 đợt đưa hàng Việt đến người lao động các KCX, KCN, nhất là các vùng tập trung nhiều KCN như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Nhiều mô hình tổ chức phù hợp đã được công nhân đón nhận như: Phiên chợ công nhân, Gian hàng giảm giá, Chợ lưu động, Siêu thị công đoàn...
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc hệ thống siêu thị Big C khu vực phía Bắc chia sẻ, thời gian qua, Big C đã tổ chức nhiều buổi bán hàng lưu động tại các tỉnh tập trung nhiều KCN như Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Xuất phát từ nhu cầu thực tế của công nhân, hàng hóa đưa về khu vực này chủ yếu là hàng thiết yếu, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng.
"Hàng Việt được công nhân ưa chuộng có mức giá phải chăng, chủ yếu là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng thiết yếu hằng ngày. Chúng tôi cũng tổ chức các chương trình giảm giá, tặng quà nên hầu hết các chương trình thu hút rất đông công nhân đến mua sắm", đại diện Big C chia sẻ.
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và đặc biệt là các siêu thị đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động này, chủ động tổ chức các hội chợ, phiên chợ và các chương trình đưa hàng Việt chất lượng tốt, giá cả hợp lý, bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm đến các KCN và KCX. Thông qua đó, dần thay đổi nhận thức, có tác động tích cực đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng.
Ở chiều hướng ngược lại, thông qua hoạt động này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã hiểu rõ tâm lý, nhu cầu người tiêu dùng và tiềm năng của thị trường nội địa, từ đó đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất để tạo ra sản phẩm, hàng hoá phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt về các KCN phục vụ công nhân, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đề nghị Sở Công Thương, Ban quản lý các KCN tại các tỉnh, thành phố cần tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, hỗ trợ về địa điểm tổ chức các phiên chợ, điểm bán hàng Việt, đồng thời tuyên truyền sâu sắc hơn nữa trong công nhân.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc đẩy mạnh đưa hàng Việt về KCN, KCX theo 3 hình thức: Xây dựng điểm bán hàng Việt Nam gần các KCN; tổ chức các đợt bán hàng giảm giá cho công đoàn viên có thẻ đoàn viên; hỗ trợ kết nối đưa hàng hoá trực tiếp đến các KCN theo đơn hàng của công đoàn đứng ra tổ chức mua và phân phối.