Hàng Việt chưa bám thị trường nông thôn
Những năm qua, ngành công thương đã tổ chức hàng nghìn chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút hàng triệu lượt người tới tham quan, mua sắm.
Chương trình đã góp phần đưa hàng hóa Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng nông thôn. Tuy vậy, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường này thì vai trò của các doanh nghiệp (DN) vẫn là tiên quyết.
Dân quê “khát” hàng Việt
Năm 2015, tỉnh Hải Dương có 4 phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức tại huyện Kinh Môn, Bình Giang, Tứ Kỳ và thị xã Chí Linh. Sản phẩm tại các phiên chợ chủ yếu là nhóm hàng gia dụng thiết yếu, với mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú, giá cả phù hợp với người dân nông thôn. Các phiên chợ đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm. Người dân xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn rất phấn khởi vì được mua các sản phẩm có chất lượng cao như ở siêu thị mà không phải đi xa. Nhiều mặt hàng còn rẻ hơn mua ở các đại lý.
Trong khi đó, tại một phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn tại xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) hồi đầu năm nay, người dân cũng nô nức đi mua sắm. Nhiều người dân cho biết, nếu không có những chuyến bán hàng lưu động như vậy thì họ phải lên trung tâm huyện mới mua được hàng Việt Nam chất lượng. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên có chương trình này và người dân tại đây mong muốn chương trình được tổ chức thường xuyên hơn.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết: Trong năm 2015, có khoảng 2.355 lượt DN tham gia, chủ yếu trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, doanh thu mang lại hơn 20.000 tỷ đồng. Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn có sự tham gia chủ động, sáng tạo của nhiều DN như Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty TNHH Ba Huân, Sài Gòn Satra...
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho rằng số DN lớn tham gia chưa nhiều. Đa phần là các DN nhỏ lẻ tham gia chương trình theo kiểu “chớp nhoáng” và chưa thực sự coi nông thôn là thị trường chiến lược của mình. Về phía Nhà nước, các chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn triển khai còn khá ít so với nhu cầu. Chẳng hạn như tại Hà Nội, Sở Công Thương chưa có kế hoạch triển khai chương trình này trong năm nay nên các DN vẫn đang... chờ kế hoạch từ Sở.
Trong giai đoạn 2010 - 2014, Bộ Công Thương đã phê duyệt 253 đề án tổ chức Đưa hàng Việt về nông thôn với tổng kinh phí 29,2 tỷ đồng. Các địa phương đã tổ chức hoặc cùng triển khai tổ chức được gần 2.000 đợt bán hàng về nông thôn, thu hút hơn 3 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan, mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 34,47 nghìn tỉ đồng.
Các chuyên gia đánh giá số lượng chương trình như vậy là còn ít. “Con số 2.000 lượt bán hàng tưởng chừng là nhiều nhưng nếu chia cho 5 năm thì mỗi năm chỉ có khoảng 400 chuyến hàng. Chia đều cho số tỉnh thành trong cả nước thì mỗi địa phương chỉ tổ chức khoảng 6-7 chuyến Đưa hàng Việt về nông thôn trong một năm”, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định.
Trở ngại khiến DN... lùi bước
Lý do khiến các DN e dè với thị trường nông thôn là bởi họ còn băn khoăn về sức mua của khu vực nông thôn cũng như chưa có đủ nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối tại thị trường nông thôn.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, đại diện Hapro cho biết: Đa số người tiêu dùng tại nông thôn vẫn có thói quen so sánh giá bán giữa hàng hóa chính hãng của công ty phân phối và hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng do tư thương, tiểu thương trên địa bàn đưa vào lưu thông. Giá bán và hàng hóa gặp phải sự cạnh tranh mạnh của các đại lý trên địa bàn. Do vậy ảnh hưởng đến doanh thu của các DN tham gia chương trình
Bên cạnh đó, sức mua của người dân tại thời điểm hiện tại vẫn thấp, hàng hóa tiêu thụ chậm. Doanh thu tại các phiên chợ của Hapro năm 2015 đã giảm từ 15 - 20% so với năm 2014. Mặc dù Hapro đã đưa ra giá bán lẻ thấp, kèm theo các chương trình khuyến mại nhưng người dân cũng chưa thực sự quan tâm.
Mặt khác, dường như các DN vẫn còn loay hoay chưa biết đưa hàng về nông thôn qua kênh nào nên gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các phiên chợ do sở công thương tổ chức. Đại diện một DN cho biết, việc khảo sát địa điểm tổ chức bán hàng gặp nhiều khó khăn do những địa điểm thuận lợi và phù hợp không nhiều (không đáp ứng về quy mô, sân bãi...). Bên cạnh đó, một số địa điểm bị các tiểu thương phản đối gây khó khăn.
Theo ông Vũ Vinh Phú, những khó khăn của DN không phải là không có cách xử lý. Các DN cần xây dựng mối liên kết với ban quản lý và bà con tiểu thương ở các chợ nông thôn truyền thống, cũng như hệ thống cửa hàng tạp hóa hiện có để tạo dựng kênh phân phối vững chắc cho hàng hóa của mình. Bên cạnh đó, chiến lược marketing tại khu vực nông thôn cũng khác với thành phố. Người dân nông thôn thích được tặng quà. DN có thể dùng cách đó để thu hút người dân đến các phiên chợ hàng Việt của mình.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hải Dương) cho biết, để đưa hàng Việt về nông thôn hiệu quả, không đơn thuần nằm ở cách thức quảng bá, tuyên truyền, vận động người dân. Vấn đề cốt lõi chính là ở nội lực từng DN.
“Các phiên chợ hàng Việt chỉ mang tính khuyến khích, tạo cơ hội và động viên DN. Về lâu dài, DN cần có chiến lược tổng thể để tự khẳng định mình. Trong thời buổi công nghệ thông tin, điều quan trọng không còn ở khoảng cách gần hay xa của nơi bán sản phẩm mà cái chính là chất lượng hàng hóa”, ông Quang đánh giá.