Hàng Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí tại các vùng nông thôn, miền núi
Những năm qua, trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các mặt hàng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đã dần chiếm lĩnh thị trường hàng hóa tại các vùng nông thôn ở tỉnh Sơn La.
Quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2010 đến nay, đã có hàng trăm phiên chợ giới thiệu hàng Việt được tổ chức tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La, nhất là ở các vùng nông thôn. Tại các phiên chợ này, đồng bào các dân tộc có cơ hội tiếp cận với nhiều loại hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Đồng thời, thông qua việc tổ chức những phiên chợ này cũng từng bước hình thành ở người dân thói quen sử dụng hàng Việt Nam. Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã cùng phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức 15 “Phiên chợ vùng cao - Hàng Việt về nông thôn” thu hút hơn 40.000 lượt khách tham quan, mua sắm. Bình quân mỗi phiên chợ thu hút từ 20 - 25 doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng. Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia phiên chợ hàng Việt về nông thôn đều bán hàng giá ưu đãi cùng nhiều chương trình khuyến mãi đi kèm.
Có mặt tại buổi chợ phiên ở xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La), chúng tôi nhận rõ hiệu quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại đây, xuất hiện hầu hết mặt hàng tiêu dùng như đồ điện dân dụng, quần áo, giày dép, bánh kẹo… đều “made in Việt Nam”. Nhìn sơ qua cũng có thể nhận ra những sản phẩm quen thuộc như bóng đèn Điện Quang, quạt Điện cơ 91, bánh kẹo của các hãng Hữu Nghị, Hải Hà, Tràng An, Kinh Đô, sữa Vinamilk, cà phê Trung Nguyên, chăn sông Hồng, giày dép Tiền Phong, Biti’s, giấy vở Hồng Hà… Vừa cùng vợ chọn mua hàng, anh Lò Văn Thuận ở bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài vừa vui vẻ cho biết: “Từ hơn 1 năm nay, gia đình tôi thường tranh thủ mua sắm tại các phiên chợ hàng Việt, bởi hàng hóa bán tại phiên chợ có nhiều loại như đồ gia dụng, nhu yếu phẩm với với giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm. Điều quan trọng hơn là mua hàng tại các phiên chợ này không xảy ra tình trạng mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.
Chị Vàng Thị Hương, chủ một sạp hàng tạp hóa tại chợ Phiêng Khoài: “Hiện có trên 90% hàng hóa bày bán tại chợ là hàng Việt Nam. Nhờ công tác tuyên truyền nên có rất ít người mua hàng nhập khẩu, nhất là hàng do Trung Quốc sản xuất, vì khách hàng nhận thấy sản phẩm của Việt Nam bền, đẹp và an toàn hơn”. Tại các phiên chợ ở khu vực nông thôn, những người bán hàng đã trở thành một kênh tuyên truyền tích cực cho hàng Việt. “Tôi bán hàng và thường xuyên giới thiệu đến mọi người về hàng Việt Nam, bởi hàng Việt vừa có giá cả hợp lý vừa có mẫu mã đẹp. Hơn nữa, thời gian gần đây khi mua sắm, đa số khách hàng đều quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa, kiểm tra kỹ nhãn mác”, chị Hương chia sẻ thêm.
Được biết, không chỉ ở huyện Yên Châu mà thực tế tại một số chợ nông thôn trên địa bàn các huyện Sông Mã, Mường La, Bắc Yên, Mộc Châu… đều cho thấy, hầu hết hàng hóa được bày bán đều là hàng Việt, chiếm trên 80%. Các sản phẩm sản xuất trong nước đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá cả hợp với túi tiền của người dân. Trong đó, dễ dàng nhận thấy các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, may mặc và một số sản phẩm cơ khí, công nghiệp… chiếm ưu thế. Hầu hết người tiêu dùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La khi được hỏi đều cho rằng, trước đây họ ít mua hàng Việt, vì hàng ngoại nhập có giá bán thấp hơn. Từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai rộng khắp, người dân được tiếp cận với nguồn hàng hóa chất lượng cao, do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, giá bán phù hợp thì thói quen tiêu dùng đã thay đổi. Hàng Việt chiếm ưu thế tại thị trường nông thôn là điều đáng mừng, qua đó góp phần tích cực vào việc mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm trong nước, kích thích sản xuất phát triển.
Theo đồng chí Phạm Thị Doan, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, trước đây, tại các khu vực nông thôn của tỉnh có sự cạnh tranh khá rõ ràng giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu. Những năm qua, việc triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, qua khảo sát của các cơ quan chuyên môn cho thấy, có trên 90% mặt hàng thực phẩm bày bán tại chợ nông thôn là hàng sản xuất trong nước. Nhiều mặt hàng gia dụng như đồ điện, may mặc… do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, gia công hiện cũng đã chiếm lĩnh thị phần áp đảo tại thị trường nông thôn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương ở Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền kết hợp với việc tổ chức các “Phiên chợ vùng cao - Hàng Việt về nông thôn” để đưa hàng nội địa đến với đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Qua đó, giúp bà con có điều kiện tiếp cận, sử dụng các sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp; đồng thời góp phần củng cố vị trí của hàng Việt Nam tại các khu vực nông thôn trong tỉnh./.