Hàng Việt về chợ vùng sâu đất Mũi
Trong 6 năm qua, các DN hàng Việt bền bỉ mở thị trường, tổ chức thành đoàn theo các phiên chợ, mỗi phiên dừng lại 3 ngày.
Hàng Việt luôn được người tiêu dùng vùng sâu Đất Mũi đón nhận nồng nhiệt...
Phiên chợ hàng Việt tổ chức ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời đã vài lần, lần nào cũng thu hút đông khách, đắt hàng.
Giữa tháng 9 vừa qua, sau những ngày mưa dai dẳng, qua phiên chợ tại U Minh 3 ngày, anh Hòa đại diện gian hàng nhựa Cty Duy Tân lạc quan cho biết, nhiều sản phẩm mới, hàng nhựa gia dụng như thau, xô, tủ nhựa, bàn ghế…, chở đầy một xe tải, dự trù số lượng đủ bán cho 3 phiên chợ ở 3 huyện.
Nhưng thật bất ngờ, chỉ mới bắt đầu phiên chợ U Minh (từ ngày 11 đến 13/9) đã bán gần hết. Vui nhất là bà con mua hàng khen hàng nhựa Duy Tân xài bền, đẹp.
Cty Duy Tân muốn mở thị trường về nông thôn nên không bán hàng cũ, hàng tồn. Mỗi năm Cty SX ra nhiều sản phẩm có mẫu mã mới để “trình làng”, chỉ như vậy mới mong có được niềm tin của bà con.
Với các sản phẩm hàng đặc sản làng nghề, vợ chồng anh Phương chở theo xe tải bán hàng lưu động như: Chả hoa Năm Thụy, khô cá, tôm khô,nước mắm rươi, củ cải muối (xái pấu) Chịt Sa, bánh tét Trà Cuôn…, là những đặc sản của Trà Vinh.
Anh Phương tươi cười: "Lần nào về Đất Mũi bán hàng cũng đắt như tôm tươi. Chúng tôi không quá lo tốn kém chi phí đường xa".
Còn anh Trí, Cty Bột Vĩnh Thuận – TP HCM nói: "Hầu hết các loại bột chế biến các món bánh trong gia đình hiện nay đã có mặt ở nhiều chợ huyện và chợ vùng xa. Do đó, chúng tôi không đặt nặng doanh số bán hàng qua mỗi phiên chợ.
Nhưng chúng tôi vẫn muốn tìm đến những chợ nông thôn xa để nghe bà con khen chê thế nào, thị trường còn khoảng trống nào và cách nào tạo được uy tín, niềm tin với người tiêu dùng".
Tháng 9, phiên chợ hàng Việt đi qua 3 huyện U Minh, Phú Tân và Trần Văn Thời, do Sở Công Thương Cà Mau phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ kinh doanh (BSA) và địa phương các huyện tổ chức.
Đồng hành có 32 DN chở hàng giới thiệu, bán và khuyến mãi trực tiếp các mặt hàng tiêu dùng gồm: Hàng may mặc, giày dép da, nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến…
Hàng Việt có thuận lợi nhất khi về Cà Mau ngày nay là không còn phụ thuộc vào con đường "độc đạo" là giao thông đường thủy.
Bởi cơ sở hạ tầng đường bộ đã được đầu tư trên khắp địa bàn, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đi lại thuận tiện. Chợ vùng xa từ chỗ thiếu hàng thì hiện nay có đủ, hàng hóa đa dạng, phong phú hơn và bà con miền quê dễ so sánh, lựa chọn tìm hàng tốt để dùng.
Chợ Phú Tân nằm xa bên bờ biển Đất Mũi. Ông Võ Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân cho rằng, từ 3 năm qua khi có tuyến đường bộ thông thương từ TP Cà Mau về tới chợ huyện, hàng hóa lưu thông thông suốt. Tuy cách TP 70 km nhưng xe tải chuyển hàng về trong vài giờ là tới nơi.
Bên cạnh đó đường giao thông nông thôn nối liền 75 ấp và xe ô tô về tới trung tâm 4 xã đang xây dựng NTM. Còn chiều ngược lại, hàng hóa đối lưu của địa phương với thế mạnh thủy hải sản, có 39.000 ha nuôi tôm và 700 tàu khai thác thủy sản, sản lượng năm 2014 đạt 47.000 tấn.
Đặc biệt năm nay, dịch bệnh tôm ít, chỉ khoảng 7-8% diện tích thả nuôi nên phần lớn đời sống người dân nâng lên thấy rõ. Từ đó sức mua các loại hàng hóa tăng lên...
Ông Lưu Văn Quốc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau nhận định, phiên chợ hàng Việt 3 ngày ở huyện U Minh đạt doanh thu trên 1,3 tỷ đồng. Phiên chợ ở huyện Trần Văn Thời (từ 19 đến 21/9), đang mở ra nhiều kỳ vọng...
Chương trình phiên chợ có lồng ghép nội dung phổ quát kiến thức sử dụng hàng Việt, khẳng định hàng Việt chất lượng không thua kém hàng ngoại. Hơn nữa, phiên chợ này chỉ bán hàng chính hãng do các DN Việt chở đi tiếp thị nên khác với những hội chợ thông thường khác.
Theo ông Quốc, trong 6 năm qua tỉnh Cà Mau tổ chức 12 phiên chợ hàng Việt về các huyện. Đa số ý kiến bà con vùng nông thôn rất thích, vì mua hàng về xài thấy tốt, có địa chỉ rõ ràng đáng tin cậy. Hiện nay chỉ còn huyện Ngọc Hiển chưa tổ chức được phiên chợ hàng Việt, vì còn cách trở đò giang.
Theo báo Nông Nghiệp