Hàng Việt về nông thôn: Đáp ứng đúng nhu cầu người dân

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại Kế hoạch số 46/KH-UBND về việc triển khai thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn thành phố, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai 14/23 Tuần hàng Việt; 18/30 phiên chợ Việt; 290/500 chuyến bán hàng lưu động trên địa bàn các quận, huyện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm Việt tới người tiêu dùng (NTD).

Theo Sở Công thương Hà Nội, để hàng Việt chiếm được lòng tin của NTD đòi hỏi các DN phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực ngoại thành, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện phải nghiên cứu, đưa đúng những loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân nông thôn.

Các DN tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, Tuần hàng Việt tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng dệt may, da giày, đồ gia dụng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề và sản phẩm đặc sản vùng, miền của các địa phương… đều phải đáp ứng đủ các tiêu chí quan trọng là hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của NTD phải có đầy đủ xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý... 

Có mặt tại Sân vận động huyện Thanh Trì trong những ngày diễn ra "Tuần hàng Việt" mới thấy không khí mua bán tấp nập của bà con ngay từ ngày đầu khai mạc. Chị Nguyễn Thị Thu, trú tại đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển nhận xét, mặc dù hầu hết các sản phẩm bày bán trong chương trình có giá bán tương đương ngoài thị trường nhưng quan trọng hơn đây là hàng do DN trực tiếp phân phối nên rất yên tâm. Chị Thu bày tỏ mong muốn, thành phố nên tổ chức nhiều hơn những "Tuần hàng Việt" như thế này để chị cũng như bà con mua được hàng hóa chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng. 

Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì chia sẻ, việc ngành Công thương thành phố phối hợp với các địa phương tổ chức "Tuần hàng Việt" đã góp phần thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đây cũng là cơ hội cho các DN nhỏ và vừa, nghệ nhân các làng nghề của Hà Nội quảng bá thương hiệu, sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao ý thức của NTD trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng các gian hàng tham gia "Tuần hàng Việt" còn ít, mặt hàng chưa đa dạng nên chưa thỏa mãn nhu cầu của NTD. Đây là những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. 

"Tuần hàng Việt" cũng là dịp để lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống hàng giả, hàng nhái, bảo đảm quyền lợi cho NTD. Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, lợi dụng lòng tin của NTD đối với hàng Việt, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã làm giả, nhái nhãn mác khá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như bột canh, mỳ chính… Thời gian qua, lực lượng chức năng thành phố đã phát hiện đối tượng Trần Thị Hòa, trú tại phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) sản xuất, tàng trữ gần 7.000 gói bột canh giả nhãn hiệu "bột canh I ốt Hải Châu" loại 190gr/gói. 

Nhằm chống nạn hàng giả, nhái nhãn mác, từ nay đến cuối năm 2015, Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 147/KH-BCĐ-TP về việc đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả. Trong đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung triệt phá các đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là tại các địa bàn nổi cộm như chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, ga Giáp Bát… Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của những chuyến đưa hàng về nông thôn của thành phố trong thời gian tới.

Bình luận của bạn