Hàng Việt về nông thôn: Đến hẹn lại lên
Cứ vào dịp đầu năm học mới hoặc chuẩn bị mùa mua sắm cuối năm, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt lại được các địa phương đẩy mạnh tổ chức. Đây là dịp để người dân được mua sắm hàng hóa chính hãng với giá phải chăng, cũng là dịp để doanh nghiệp (DN) thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Tham gia Hội chợ hàng Việt về nông thôn năm 2019 được tổ chức tại thị xã Sơn Tây mới đây, chị Nguyễn Thị Hồng (thị xã Sơn Tây) rất hào hứng. Chị chia sẻ, hội chợ được tổ chức gần ngày khai giảng năm học mới, chị có thể mua thêm quần áo, văn phòng phẩm cho các con và các đồ gia dụng, thực phẩm, đặc sản vùng miền chính hãng tại hội chợ này.
Sự hào hứng của chị Hồng cũng chính là tâm lý chung của nhiều người dân mỗi khi đến với các phiên chợ hàng Việt về nông thôn hoặc hội chợ hàng Việt. Theo Bộ Công Thương, qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã tổ chức gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với sự tham gia của hơn 100.000 lượt DN và 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm, quy mô trung bình 10 - 20 DN/phiên với doanh số bán hàng 20 - 50 tỷ đồng/phiên.
Các phiên chợ, hội chợ hàng Việt cũng được các địa phương lớn ưu tiên tổ chức. Đơn cử, sau 10 năm, TP. Hà Nội đã tổ chức 2.850 chuyến bán hàng lưu động, 21 chuyến bán hàng dịp Tết Nguyên đán, 29 hội chợ hàng Việt, 244 phiên chợ Việt… Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, An Giang… những đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút người dân trên địa bàn mà còn lôi cuốn dân cư nước Lào, Campuchia tới tham quan mua sắm.
Đánh giá về các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, bà Vũ Thị Hậu - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam (VRA) - cho biết, việc đưa hàng Việt về nông thôn đã giúp DN và người tiêu dùng có cơ hội giao lưu, trao đổi, tương tác nhiều hơn. Qua đó tạo điều kiện để DN nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng tại mỗi địa phương để điều chỉnh sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời hoạt động này còn giúp người tiêu dùng chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn, các DN bán lẻ kiến nghị nhà nước hỗ trợ kinh phí vận chuyển, tổ chức, tuyên truyền, quảng bá… nhằm giúp DN tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí. Bên cạnh đó, về lâu dài, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương cần xây dựng một chiến lược phát triển dài hơi, đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt. Cần tổ chức quy hoạch mạng lưới phân phối ở vùng nông thôn, DN lấy đó làm cơ sở thiết lập các điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường. Đồng thời, các cơ quan quản lý chức năng và địa phương hỗ trợ DN thủ tục giấy tờ, mặt bằng kinh doanh phát triển hệ thống phân phối ở vùng sâu, vùng xa.