Lai Châu: Đưa hàng Việt về miền núi
Đa dạng hoạt động
Theo Sở Công Thương tỉnh Lai Châu, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi Lai Châu năm 2017 được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) và quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm do các doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất, phục vụ nhu cầu của người dân các dân tộc trên địa bàn 2 huyện. Mỗi phiên chợ có quy mô từ 22 gian hàng trở lên. Các đơn vị tham gia là DN, hợp tác xã đến từ tỉnh Bắc Kạn, Điện Biên và các cửa hàng thương mại trên địa bàn tỉnh với sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt gia đình… Phiên chợ đã nhận được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng với số lượng người tham gia rất đông, lượng hàng hóa tiêu thụ lớn.
Cùng với các phiên chợ hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là một trong những hoạt động trọng tâm trong việc triển khai CVĐ trên địa bàn tỉnh Lai Châu thời gian qua. Riêng trong năm 2017, Sở Công Thương Lai Châu đã tổ chức trên 10 hội chợ và phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh, thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham gia. Mỗi phiên chợ có gần 30 gian hàng với 15 DN, hợp tác xã, thương nhân trong và ngoài tỉnh tham gia, với các mặt hàng: Điện, điện tử, đồ nhựa, chất tẩy rửa, hàng dệt may, thực phẩm chế biến... Hàng hóa được bày bán tại các phiên chợ đều có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng vùng cao. Nhờ thực hiện nhiều chính sách kích cầu nên mỗi phiên chợ đã thu hút đông đảo người dân tham gia mua sắm…
Song song với việc đưa hàng Việt về miền núi, trong năm 2017, Sở Công Thương Lai Châu cũng xây dựng thành công Điểm bán hàng Việt Nam tại cụm xã biên giới huyện Phong Thổ. Đây sẽ là điểm kinh doanh, bán hàng Việt Nam cố định, với giá phải chăng và hàng hóa đa dạng.
Hỗ trợ mạnh hơn
Tuy đã đạt được một số thành công nhưng theo Sở Công Thương Lai Châu, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi Lai Châu vẫn còn nhiều khó khăn khi thời gian tổ chức ngắn, hàng hóa chưa thực sự đa dạng và phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng.
Do đó, Sở Công Thương Lai Châu đề nghị trong thời gian tới, Bộ Công Thương dành nguồn ưu tiên cho các tỉnh biên giới để tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, xây dựng thêm các điểm bán hàng Việt Nam tại khu vực miền núi, biên giới để người dân có điểm mua sắm cố định. Đặc biệt, trong năm 2018, tổ chức các dự án tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bán hàng, phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các DN, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lai Châu nhằm tuyên truyền, nhân rộng mô hình, mở rộng mạng lưới kinh doanh tại khu vực, vùng sâu, vùng xa, biên giới để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.