Lai Châu: Hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường

Bằng các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa…, đến nay, hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh đa phần thị trường nông thôn, miền núi tỉnh Lai Châu.

Tích cực đưa hàng Việt về miền núi

Là địa phương miền núi, đời sống của bà con Lai Châu còn nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam chính hãng lớn. Hoạt động quan trọng hàng đầu được Sở Công Thương tỉnh chú trọng triển khai là xúc tiến đưa hàng Việt Nam về khu vực nông thôn, miền núi.

Theo Sở Công Thương Lai Châu, trong gần 8 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), đơn vị đã tổ chức được trên 40 hội chợ, nhiều chuyến hàng đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia. Hàng hóa tại hội chợ đa dạng, phong phú, như: Sản phẩm may mặc, do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất.

Tại các phiên chợ, mặt hàng truyền thống của địa phương như: Nông sản, thảo dược, thổ cẩm… được bán khá nhiều, lượng tiêu thụ tương đối khả quan. Đây cũng là dịp thu hút khách du lịch và người tiêu dùng các địa phương lân cận. Nhằm mục tiêu quảng bá sản phẩm địa phương, Sở Công Thương tỉnh đã dành nguồn vốn hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương như: Chè Ô long, chè Kim Tuyên, chè xanh, gạo tẻ dâu, miến dong, vải thổ cẩm… Sản phẩm của địa phương đã có mặt ở nhiều hội chợ lớn trong cả nước. Sở cũng hỗ trợ kết nối DN trong tỉnh với DN các địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đa dạng kênh phân phối

Cùng với việc tổ chức các phiên chợ, hội chợ, giúp người dân Lai Châu được mua sắm hàng hóa Việt Nam dễ dàng hơn, triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, đến nay, địa phương đã xây dựng được 4 điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và TP. Lai Châu. Các điểm bán hàng đặt sâu trong các khu, cụm dân cư đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với hàng hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng cao được sản xuất tại Việt Nam.

Các DN phân phối trên địa bàn còn chủ động thiết lập nhiều kênh phân phối hàng Việt thông qua hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ tại chợ kinh doanh truyền thống. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được tiếp cận và tiêu dùng các mặt hàng Việt Nam bảo đảm về chất lượng, có giá thành phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội. Đồng thời tạo cơ hội cho DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tiếp cận với thị trường nông thôn, từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Theo Sở Công Thương Lai Châu, hiện nay, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân chủ yếu là do DN trong nước sản xuất. Hàng Việt Nam với chất lượng tốt, giá phải chăng, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, là động lực triển khai các chương trình xúc tiến hàng Việt nhiều hơn trong thời gian tới.

Bình luận của bạn