Nâng cao chất lượng hàng Việt về nông thôn
Theo ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam, hiện vùng nông thôn có đến 70% dân số sinh sống nhưng khi đi kiểm tra tại các địa phương, hầu như đều có tình trạng hàng Việt Nam chất lượng thấp thì đưa về đây tiêu thụ.
Cần đẩy mạnh sản xuất hàng Việt Nam tốt, giá cạnh tranh
Tại Hội nghị sơ kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, qua 7 năm thực hiện, trong bối cảnh đang hội nhập sâu rộng về kinh tế với tốc độ chưa từng có, thì cuộc vận động này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hạn chế lớn nhất của cuộc vận động này là hiện nay mới chỉ 50% địa phương có ban chỉ đạo cuộc vận động. “Người Việt Nam sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam tốt, nên đây sẽ là điều kiện để yêu cầu các doanh nghiệp tích cực sản xuất hàng hóa có chất lượng. Cuộc vận động phải đúng bản chất người Việt Nam ưu tiên hàng dùng Việt Nam tốt”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương có thể giám sát cuộc vận động ở các nội dung như tăng cường và nâng cao hiệu quả truyền thông về người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng tốt. Chú trọng xây dựng các điểm bán hàng Việt, cũng như tổ chức tuần lễ hàng Việt Nam, hội chợ hàng Việt Nam; Hỗ trợ sản xuất hàng Việt Nam chất lượng cao. Ngoài ra, các bộ ngành có thể vận động các bộ, công nhân viên chức tích cực mua hàng Việt Nam…
Hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, người dân sẽ mua. Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, công tác tuyên truyền tiêu dùng hàng Việt trong năm 2015 ngày càng được đẩy mạnh. Bộ Công Thương cũng chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền tiêu thụ đặc sản trong nước sản xuất, kết nối đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Theo đó, hàng nghìn hợp đồng tiêu thụ hàng Việt đã được ký kết.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện đã có hàng nghìn mặt hàng hóa của Việt Nam đưa đưa vào hệ thống phân phối nước ngoài. Đội ngũ tham tán thương mại của Việt Nam tại hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cũng đang tích cực tìm hiểu để đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối tại các nước này. Ở trong nước, hàng Việt được mở rộng mạng phủ sóng trên toàn quốc. Đặc biệt, các hệ thống phân phối đã cam kết tiêu thụ khoảng 70% hàng Việt Nam.
Hàng Việt Nam chất lượng kém vẫn nhiều ở nông thôn
Cũng tại Hội nghị sơ kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, chất lượng hàng hóa Việt Nam muốn dân mua phải đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đồ sản xuất ra vẫn phải đổ bỏ rất lãng phí. Vì vậy, cần có chương trình làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu hàng ngày, để làm sao sản xuất ra hàng hóa tốt.
“Cần đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo 389 để nâng cao hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái, đảm bảo người dân mua được hàng chất lượng tốt. Suy cho cùng, hàng đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, người dân sẽ mua. Đây là việc quan trọng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Việt Nam cũng chia sẻ, cần rà soát, cơ cấu lại thị trường nông thôn. “ Hiện nay, vùng nông thôn có 70% dân số sinh sống nhưng khi chúng tôi đi kiểm tra các địa phương, hầu như hàng Việt Nam chất lượng thấp thì đưa về đây. Cho nên, phải cơ cấu lại để làm sao hàng Việt chất lượng cao, giá cả phải chăng đến với bà con nông dân”, ông Môn nói.
Ông Môn cho rằng, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần phân công, tăng cường kết nối doanh nghiệp để vừa đưa được hàng Việt chất lượng đến thị trường rộng lớn này, vừa tiêu thụ sản phẩm do bà con nông dân sản xuất ra. Kiểm tra, xử lý nghiêm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là nông thôn.
Đưa ra giải pháp để làm sao hàng Việt Nam có chất lượng tốt, đi kèm với giá cả phải chăng, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần một bộ quy chuẩn về chất lượng. Phải làm sao để doanh nghiệp dám công bố các nguyên liệu sản xuất của mình, cũng như phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về thông tin công bố
.