Nghệ An: Tích cực đưa hàng Việt về nông thôn
Qua 6 năm thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Nghệ An, nhận thức của người tiêu dùng được nâng lên, từng bước thay đổi hành vi mua sắm, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển.
Ban vận động tỉnh Nghệ An đã quán triệt và thực hiện tốt CVĐ; tập trung tuyên truyền vận động và được cả hệ thống chính trị hưởng ứng tham gia tích cực, từng bước đưa CVĐ lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Từ tháng 7/2009 đến nay, Sở Công Thương Nghệ An đã tiếp nhận và theo dõi gần 13.000 chương trình khuyến mại với tổng trị giá 145,3 tỷ đồng. Trong 5 năm đã cấp phép gần 60 cuộc hội chợ, triển lãm tổ chức tại TP.Vinh và các huyện, với hơn 45 gian hàng của các DN trong tỉnh và hơn 300 gian hàng ngoài tỉnh được trưng bày, tổ chức lồng ghép vào chương trình các hội chợ để giới thiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm của các DN Việt Nam. Triển khai “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn”, với 47 đợt đưa hàng Việt đến các huyện Tân Kỳ, Yên Thành, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Anh Sơn... Tổng doanh thu ước đạt khoảng 35 tỷ đồng. Tổ chức chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường điều tra, khảo sát, ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam có thị trường, đến được tay người tiêu dùng; chỉ đạo Phòng Công thương các huyện, thành phố, thị xã tập trung kiểm tra nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá bán để nhân dân được biết. 6 năm qua, toàn tỉnh đã kiểm hơn 19.618 vụ, xử lý hơn13.697 vụ, thu phạt trên 25,76 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, như: Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, chất lượng, giá thành các sản phẩm do DN Việt Nam, DN trong tỉnh sản xuất chưa được chú trọng... Quá trình truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng chưa thường xuyên, liên tục nên chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Sản phẩm hàng hóa của các DN Việt Nam có tính cạnh tranh còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được các DN có thương hiệu tham gia. Tình hình hàng giả, hàng nhập lậu giá rẻ, kém chất lượng chưa được ngăn chặn hiệu quả, nên gây khó khăn trở ngại cho đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước, trong tỉnh.
Thời gian tới, Ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Nghệ An tiếp tục tham mưu cho cấp ủy tăng cường công tác lãnh đạo; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, thông tin; vận động nhân dân mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước; tăng cường quản lý thị trường, hạn chế hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với Sở Công thương đề xuất với UBND tỉnh hàng quý hoặc 6 tháng tổ chức tốt chương trình “Đưa hàng Việt Nam về nông thôn” để góp phần giới thiệu, quảng bá và đưa hàng Việt Nam về với các huyện, thành, thị miền núi, nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…