Nỗ lực đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng
Sáng 13-4, Thành ủy TP Hồ Chí Minh sơ kết ba năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố.
Cùng với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và cách thức tuyên truyền của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể và nhiều cơ quan báo chí tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ)…, hệ thống phân phối truyền thống của TP Hồ Chí Minh đã phát triển lên 239 chợ, 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại cùng hàng nghìn điểm bán lẻ có kinh doanh mua bán hàng Việt Nam.
Thực hiện hiệu quả CVĐ, tỷ lệ hàng Việt/hàng ngoại nhập tại các hệ thống siêu thị trong nước đã tăng cao từ 90% đến 95%, cụ thể: Co.opmart (90 đến 93%), Satra (90 đến 95%), Vinmart (96%), Vissan (95%),… Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt/hàng ngoại nhập tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại vốn FDI cũng tăng từ 65% đến 95%, cụ thể: Lotte (95%), Big C (90 đến 95%), AEON - Citimart (82 đến 85%), Auchan (65%), Trung tâm mua sắm Aeon Mall (93 đến 98,5%), Trung tâm thương mại Emart (96%), Trung tâm thương mại Saigon Centre (68%),…
Để ủng hộ doanh nghiệp Việt, hàng Việt, thành phố tiếp tục triển khai hoạt động đối thoại trực tuyến, tiếp xúc, lắng nghe nắm bắt tình hình nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính... hằng năm thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp tham dự. Đồng thời, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp Việt đã đạt 302.989 tỷ đồng cho 15.778 khách hàng vay sản xuất hàng Việt.
Nhằm đưa hàng hóa Việt giá rẻ, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng, Chương trình Bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh còn phát triển ra 10.602 điểm bán, gồm: 4.127 điểm bán hàng lương thực, thực phẩm, 857 điểm bán mùa khai giảng, 1.602 điểm bán sữa và 4.016 điểm bán dược phẩm.
Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ TP Hồ Chí Minh cho rằng, quán triệt sâu sắc chủ trương Bộ Chính trị, sau khi tổng kết năm năm thực hiện Cuộc vận động (giai đoạn 2009 - 2015), trên cơ sở kết quả đạt được cùng những mặt tồn tại hạn chế, Thành ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết chỉ đạo thực hiện, phân công đồng chí Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ để nâng cao năng lực lãnh đạo, tổ chức triển khai tập trung hơn; đưa tỷ lệ hàng Việt bày bán trong các chợ, siêu thị ngày càng tăng cao, chiếm lĩnh được thị trường, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng. Từ kết quả trên, năm 2017, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,25% (cùng kỳ tăng 8,05%). Khu vực dịch vụ tăng 8,2% (cùng kỳ tăng 8,0%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,8% (bằng cùng kỳ), khu vực nông nghiệp tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 5,4%). Thu ngân sách thực hiện đạt 347.982 tỷ đồng, đạt 100,03% dự toán, tăng 12,94%.
“Từ ngày 15-1-2018 thành phố triển khai thực hiện thí điểm Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của thành phố, chúng ta có dân số đông, gần 10 triệu người, có nhiều doanh nghiệp làm ăn giỏi, đạt hiệu quả cao, đủ năng lực cạnh tranh. Chủ trương của Đảng về tổ chức CVĐ là điều kiện hết sức thuận lợi, là cơ hội để các doanh nghiệp phát huy tính chủ động sáng tạo trong kinh doanh. Nhân dân thành phố tiếp tục triển khai thực hiện CVĐ trong năm 2018 và những năm tiếp theo lan tỏa ra diện rộng, từng bước đi vào chiều sâu, hình thức cao hơn với kết quả ngày càng ổn định, vững chắc; Công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, là giải pháp hàng đầu, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội cao, qua đó tiếp tục xây dựng thói quen, nét đẹp văn hóa tiêu dùng hàng Việt; Tiếp tục mở rộng điểm bán hàng bình ổn thị trường, các cửa hàng tiện ích trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng ngoại thành để đưa hàng Việt đến với công nhân, nông dân; Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu từ các cửa khẩu, biên giới để bảo vệ hàng trong nước”, đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh!