Phú Thọ - lan tỏa phiên chợ hàng Việt lên miền núi
Ngày 21- 23/11, tại huyện miền núi Tân Sơn (Phú Thọ) đã diễn ra Phiên chợ hàng Việt về miền núi do Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ, UBND huyện Tân Sơn phối hợp tổ chức. Phiên chợ thuộc Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2019 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt…
Với qui mô 20 gian hàng gồm các sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh Phú Thọ và một số sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp các tỉnh bạn, phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Tân Sơn 2019 đã thu hút đông đảo người dân quan tâm, đến phiên chợ mua sắm hàng hóa…
Tại lễ khai mạc phiên chợ, ông Đặng Việt Phương – Phó Giám đóc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ thông tin: Mười tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh Phú Thọ ước đạt 25.654,8 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt 22.570,8 tỷ… Như vậy có thể thấy rằng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn là rất lớn và tăng với tốc độ cao.
Phú Thọ có định hướng phát triển thương mại dịch vụ theo hướng hiện đại hóa, gắn liền với qui mô, trình độ phát triển sản xuất phát triển gắn với tiến trình hội nhập. Hệ thống hạ tầng thương mại được định hướng phát triển theo hướng hài hòa, đồng bộ giữa hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống, giữa thị trường đô thị và nông thôn, giữa hệ thống bán buôn và bán lẻ hàng hóa. Nhiều trung tâm thương mại, nhiều điển bán hàng Việt được xây dựng nhằm đưa sản phẩm từ nhà sản xuất trong nước nói chung, tỉnh Phủ Thọ nói riêng đến tay người tiêu dùng. Gắn kết chặt chẽ việc sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
Tuy nhiên, tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa hiện nay hệ thống thương mại bán lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân. Hạ tầng thương mại truyền thống (chợ truyền thống) cơ sở hạ tầng rất hạn chế, số người kinh doanh tự phát tăng nhưng qui mô nhỏ và thiếu sự liên kết dài lâu. Ý thức người kinh doanh kém, còn hiện tượng trà trộn hàng nhái, hàng giả hàng kém chất lượng… Vì vậy, việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt lên miền núi có ý nghĩa quan trọng. Có thể nói dù qui mô các phiên chợ ở mức khiêm tốn nhưng các phiên chợ đã tạo sự lan tỏa, mang một ý nghĩa lớn.
Các phiên chợ đã tạo cơ hội giới thiệu tiềm năng phát triển thương mại, giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp gỡ để doanh nghiệp nắm bắt thị hiếu tiêu dùng theo từng khu vực, tạo mối liên kết, xây dựng uy tín, nâng cao sức cạnh tranh. Qua các phiên chợ hàng Việt cũng đã giúp người dân hiểu biết hơn về các sản phẩm hàng hóa, được định hướng tiêu dùng và tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt, mua sắm sản phẩm có thương hiệu, rõ nguồn gốc xuất xứ…
Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại Tân Sơn đã giới thiệu nhiều sản phẩm phong phú từ nông sản, hàng may mặc, đặc sản địa phương đến thủy hải sản chế biến, nước mắm... những mặt hàng thiết thực với người dân vùng miền núi. Bà Nguyễn Thị Mai Phương – Giám đốc Trung tâm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương – đơn vị trực tiếp triển khai tổ cức chương trình chia sẻ: Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, với nỗ lực của Trung tâm cùng phối hợp, hỗ trợ của các ban ngành, địa phương, doanh nghiệp thời gian qua Phú Thọ đã tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Các phiên chợ luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, cho thấy hiểu quả, sức lan tỏa của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi ngày một lớn…