Phú Yên: Hàng Việt hút dân miền núi

Người dân chọn mua hàng hóa tại phiên chợ hàng Việt ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: KHÁNH QUỲNH

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, phiên chợ hàng Việt về miền núi trong tháng 5/2018 có sự tham gia của 11 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở trong và ngoài tỉnh với 20 gian hàng gồm nhiều mặt hàng thiết yếu. Phiên chợ này được tổ chức đúng vào dịp người dân có thu nhập sau khi bán sắn, mía nên sức mua rất tốt; không khí phiên chợ rất sôi động.

Bà Trương Thị Thùy ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, cho biết: Tôi vừa thu hoạch xong 2ha sắn và 3ha mía; công việc bận rộn nên chẳng có thời gian đi chợ. Vừa biết có chương trình hàng Việt, tôi rủ các con ra xem ca nhạc và mua sắm một vài thứ cần thiết. Đến đây, chúng tôi không chỉ được mua hàng Việt giá rẻ, chất lượng, mà còn được xem ca nhạc và gặp gỡ bạn bè, người quen sau một ngày làm việc vất vả.

Đối với các doanh nghiệp, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi vẫn luôn có “sức hút” nhất định, vì đây là một thị trường nhiều tiềm năng. Anh Lê Thái Sơn, nhân viên bán hàng Công ty TNHH Công nghệ xanh Vitosa, cho biết: Mảng thị trường miền núi luôn là mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp, vì địa bàn thành phố gần như đã bão hòa. Việc tiếp cận thị trường này ban đầu rất khó khăn, vì người dân chưa quen với sản phẩm. Nhiều năm qua, chúng tôi kiên trì giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi. Nhờ vậy, đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Hiện nay, tại mỗi huyện miền núi, đơn vị đã mở được 1 đại lý phân phối sản phẩm. Mặc dù vậy, những chuyến hàng Việt vẫn được doanh nghiệp duy trì vừa để bán hàng, vừa để hướng dẫn khách hàng bảo hành sản phẩm cũng như giới thiệu các dòng sản phẩm mới.

Là một trong những doanh nghiệp kiên trì với những chuyến hàng Việt, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa luôn nhận được nhiều sự ủng hộ của khách hàng nhờ các sản phẩm cần thiết, gần gũi với đời sống người dân. Trong 2 đợt bán hàng tại 2 huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa vừa qua, doanh thu của đơn vị này rất khả quan. Anh Nguyễn Công Thiện, nhân viên bán hàng của Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, nói: Đối với thị trường nông thôn, miền núi, doanh nghiệp luôn lựa chọn các sản phẩm phù hợp, có trong chương trình ưu đãi, giảm giá để tạo điều kiện cho người dân mua sắm với giá cả hợp lý, ưu đãi. Doanh nghiệp luôn xem các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi không chỉ là một kênh bán hàng thường xuyên, mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội.

Những năm qua, hoạt động đưa hàng Việt về miền núi luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền các địa phương. Ông Võ Xuân Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, nói: Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về bán tại xã. Đây là dịp để người dân tiếp cận với nhiều nguồn hàng hóa chất lượng, giá ưu đãi. Không chỉ vậy, các phiên chợ hàng Việt còn là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau khi kết thúc mùa vụ vất vả. Địa phương mong muốn các đơn vị tiếp tục tổ chức thêm nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn với số doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, hàng hóa phong phú và thời gian tổ chức dài hơn để tạo cơ hội vui chơi, mua sắm cho người dân.

Theo ông Lê Thanh Khanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, đơn vị luôn cố gắng vận động các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh tham gia các phiên chợ hàng Việt. Chúng tôi hỗ trợ 100% chi phí gian hàng, vận chuyển… cho doanh nghiệp. Hoạt động này góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bình luận của bạn