Sơn La đưa hàng Việt "bám rễ" nơi làng bản

Chiếc ô tô trắng chở chúng tôi vượt qua con đường sình lầy đất đá do sạt lở từ trận mưa bão trước. Sơn La hiện ra trước mắt hình ảnh một vùng cao còn đầy khó khăn về cuộc sống của đồng bào dân tộc. Phải đến đây mới thấy hết được nhu cầu có được một món hàng Việt chất lượng của bà con nơi đây quý đến nhường nào. Dường như "đón lõng" được tâm lý ấy, những chuyến hàng Việt đã len lỏi tới từng bản làng nhằm hiện thực hóa mong muốn của bà con đồng thời giúp chương trình bám rễ sâu trên đất bản.

Khai phá nơi vùng xa

Bên chén rượu ủ ngọt nồng nàn men lá vùng cao dưới ánh lửa bập bùng của màn đêm Tây Bắc, câu chuyện thú vị của ông Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã giúp chúng tôi mường tượng lại hình ảnh những chuyến hàng Việt đầu tiên đặt chân đến miền đất này tại huyện miền núi nghèo Sốp Cộp của vùng đất Sơn La này.

Ông Nguyễn Duy Nhượng xúc động, có lẽ không chỉ bởi đó là lần đầu tổ chức hàng Việt về vùng sâu nên cái gì cũng muốn mang theo vì bà con ở đây cái gì cũng thiếu. Điều này còn gợi mở cho những người làm chính sách Sơn La phải tìm ra cách để xây dựng những điểm bán hàng cố định phục vụ cho bà con.

Bà con tỉnh Sơn La đã nghèo, tại các huyện vùng sâu vùng xa lại còn nghèo hơn nữa. Do vậy, để có được hàng hóa sử dụng họ phải mua từ những chuyến hàng rong không có nguồn gốc mà giá cả lại đắt đỏ vô cùng. Chính vì lẽ đó, khi lần đầu tiên hàng Việt về tới đây, không chỉ bà con mà ngay cả những người làm chính sách như ông Nhượng cũng vui mừng khôn tả. Hàng hóa chỉ vài ngày là tiêu thụ hết sạch, bà con háo hức, mua bán nhộn nhịp suốt ngày. Thậm chí, các gia đình không có tiền họ về gom trứng, gia cầm và thu hoạch rau mang xuống phiên chợ bán.

Người dân mua sắm hàng hóa tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tổ chức tại xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp. Ảnh: baosonla.org.vn

Nhận thấy nhu cầu hàng hóa Việt tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa là rất lớn, những chuyến đưa hàng Việt lại không thể giải quyết được tất cả nhu cầu của bà con, những năm gần đây, Sơn La đã bắt đầu triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam cố định. Đây không chỉ là điểm bán hàng Việt Nam mà còn là điểm thu mua và phân phối các sản phẩm Sơn La sản xuất được như rau củ quả an toàn, chè, mật ong.

Theo ông Nguyễn Hữu Sơn, chủ Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại tổ 1, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, sau gần 2 năm triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam cố định đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại cửa hàng đã tăng lên khoảng 98% tập trung chủ yếu ở các mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu như bánh kẹo, dầu ăn, sách vở, văn phòng phẩm, nông sản thực phẩm.

Ngoài ra, cửa hàng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp sản xuất nhằm lấy giá gốc, từ đó hàng hóa luôn được bán với giá thấp hơn thị trường từ 5-10%. Đặc biệt, có nhiều chương trình khuyến mại như mua dầu ăn tặng hạt nêm, mua bánh tặng kèm bát hoặc mua bột giặt tặng kèm xà phòng. Vì thế, cửa hàng luôn cố gắng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi vừa thu hút bà con đến mua hàng mà doanh thu cũng tăng lên.

Đại diện các điểm bán hàng cũng cho hay, khi đăng ký xây dựng điểm bán hàng Việt Nam, cửa hàng được hỗ trợ về quầy kệ, đèn chiếu sáng, biển quảng cáo, đồng thời được thông tin, giới thiệu trên báo, đài của tỉnh.

Ngoài ra, nhân viên Sở Công Thương cũng đến tận nơi hướng dẫn cửa hàng trưng bày hàng hóa sao cho bắt mắt. Nhờ đó, bà con rất thích mua hàng tại đây, doanh thu tăng từ 10 – 15% so với thời điểm chưa trưng biển Điểm bán hàng Việt Nam.

Không dừng lại ở đó, cũng chính từ những điểm bán hàng Việt cố định này, sản phẩm của các địa phương tại Sơn La cũng được nhiều khách vãng lai tìm đến và tiêu thụ mạnh hơn như chè Thuận Châu, rượu Bắc Yên, đường Sơn La, chè Phiêng Cầm. Qua đó, Điểm bán hàng Việt Nam sẽ không chỉ là nơi bán hàng cho bà con trong tỉnh mà còn là điểm phát luồng các mặt hàng đặc sản địa phương đi khắp cả nước.

Bà Nguyễn Thị Thảo, huyện Mai Sơn chia sẻ, bà rất thích mua hàng tại Điểm bán hàng Việt Nam tại ngã 3 Cò Nòi, huyện Mai Sơn vì hàng hóa ở đây đa dạng, từ xà phòng, bột giặt, nước xả đến gạo, mắm mà giá cả phải chăng. Thỉnh thoảng điểm bán hàng có chương trình khuyến mãi tặng kèm nên bà mua được nhiều hàng hơn.

Đại diện Sở Công Thương cho hay, người dân nơi đây có đặc điểm là thích dùng hàng Việt thay vì hàng Trung Quốc bởi giá cả phải chăng, chất lượng tốt, độ an toàn cao. Vì thế, việc xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam là một trong những hoạt động được Sở Công Thương tỉnh Sơn La chú trọng triển khai trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” .

Thay đổi diện mạo

Đến nay, sau 9 năm triển khai một trong những trọng tâm để đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lan tỏa sâu rộng, Sở Công Thương Sơn La đã tổ chức hiệu quả các phiên chợ về các huyện vùng cao và huyện biên giới.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La Lê Quang Trung, tại khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao là rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi tràn lan đã làm giảm sút niềm tin của người tiêu dùng.

Vì vậy, Ban Tổ chức và các doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ nếp sinh hoạt của người dân, từ đó có phương thức tổ chức phù hợp đưa các phiên chợ trở thành điểm đến hấp dẫn. Ngoài ra, Sở Công Thương đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp cam kết về tỷ lệ hàng Việt tại phiên chợ ít nhất là 80%, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý.

Thống kê cho thấy, chỉ riêng năm 2017 Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã tổ chức 14 hội chợ tại 12 huyện, thành phố, với trên 1.200 gian hàng, tổng giá trị trao đổi hàng hóa đạt khoảng 13 tỷ đồng, thu hút trên 150.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm; trong đó, có 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung cũng thừa nhận chương trình đưa hàng Việt về nông thôn Sơn La vẫn còn tồn tại một số hạn chế như địa bàn rộng, việc triển khai chương trình còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, sức mua không đồng đều, chỉ tăng cao vào một số thời điểm nhất định trong năm nên một số doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia. Đó là chưa kể, do kinh phí còn hạn chế, các phiên chợ chỉ được tổ chức vài năm một lần, thời gian tổ chức ngắn (3 - 5 ngày) nên hiệu quả chưa cao.

Do vậy, để nhân rộng chương trình này, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Sơn La sẽ triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với cuộc vận động. Cùng với đó, tranh thủ sức lan tỏa của các phiên chợ, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn để xây dựng thêm nhiều Điểm bán hàng Việt Nam nhằm "tiếp sức" cho các doanh nghiệp, góp phần kết nối cung cầu, đưa hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm lĩnh thị trường chinh phục người tiêu dùng.

Bình luận của bạn