Sơn La: Hàng Việt chinh phục vùng khó khăn

Sự lan tỏa của CVĐ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng Việt. Đặc biệt, hàng Việt đã chiếm lĩnh cả thị phần vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Chú trọng đưa hàng Việt "phủ sóng" thị trường, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, ông Lê Quang Trung - Phó giám đốc Sở Công Thương Sơn La - cho biết, nhu cầu sử dụng hàng Việt chất lượng, giá phải chăng của người dân trên địa bàn các huyện, nhất là ở những vùng khó khăn rất lớn. Do đó, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là cơ hội tốt để người dân được mua sắm những mặt hàng chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý.

Trong 10 năm qua, Sơn La đã tổ chức 186 hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, trong đó có 106 hội chợ tổ chức tại trung tâm các huyện, thành phố; 80 hội chợ tại các cụm xã với gần 20.000 gian hàng các loại, thu hút gần 15.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, giá trị trao đổi trên 400 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai xây dựng mới 45 chợ, đưa tổng số chợ trên địa bàn tỉnh đến nay là 122 chợ; 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị và nhiều cửa hàng thương mại tiện ích; thiết lập các điểm bán hàng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh tại các địa phương, lồng ghép với Chương trình bình ổn thị trường; thiết lập 7 mô hình thí điểm bán hàng "Tự hào hàng Việt Nam" tại thành phố và các huyện: Mộc Châu, Bắc Yên, Sông Mã.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc đẩy mạnh tuyên truyền và các thành phần kinh tế tích cực sản xuất, tiêu thụ hàng hóa Việt, bước đầu, Sơn La đã hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người dân, dần xóa bỏ tâm lý "sính" hàng ngoại trong một bộ phận người dân, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước nói chung và hàng sản xuất tại địa phương nói riêng. Ngày càng có nhiều địa điểm đại lý, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng "Made in Việt Nam".

Để bảo đảm chất lượng hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra nguồn gốc, chất lượng, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và việc niêm yết giá bán hàng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp có chương trình khuyến mãi, thực hiện các chương trình từ thiện, an sinh xã hội lồng ghép trong khuôn khổ hội chợ...

Nhờ đó, đến nay tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 80%; tại chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 75%. Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên thị trường, lựa chọn của người tiêu dùng chiếm 95% là các sản phẩm có nguồn gốc nội địa. Hàng tiêu dùng chiếm trên 70%, hàng may mặc chiếm 65% lựa chọn là hàng Việt, thông qua các kênh phân phối như chợ, hệ thống các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh Sơn La đặt mục tiêu tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện CVĐ; nâng cao chất lượng tuyên truyền CVĐ. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương trong việc sản xuất, phân phối lưu thông hàng hóa, tham gia vào các sự kiện xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh…

Bình luận của bạn