Sơn La: Quyết tâm đưa hàng Việt về vùng cao, biên giới
Sau 9 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ), tỉnh Sơn La luôn chú trọng triển khai hoạt động đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa; xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam…
Tổ chức phiên chợ hàng Việt
Sơn La là một trong những địa phương miền núi, điều kiện đưa hàng hóa về các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm vừa qua, đây lại là một trong những địa phương triển khai tốt nhất CVĐ này, đặc biệt trong việc đưa hàng Việt chiếm lĩnh các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn.
Theo Sở Công Thương Sơn La, tại khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao rất lớn. Do đó, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn là một trong những hoạt động trọng tâm nhất của địa phương này trong 9 năm qua với trên 20 chuyến hàng, phiên chợ được tổ chức. Riêng trong năm 2017, Sở Công Thương đã tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Để thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp (DN) tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã tìm hiểu kỹ nếp sinh hoạt của người dân. Từ đó có phương thức tổ chức phù hợp để đưa các phiên chợ trở thành điểm đến hấp dẫn. DN cũng chú ý đưa đến phiên chợ các mặt hàng mà người dân có nhu cầu cao như: Hàng may mặc, đồ gia dụng, giống cây trồng, lương thực thực phẩm. Lượng hàng hóa tại mỗi phiên chợ đều được đảm bảo ít nhất 80% là hàng Việt, bền, đẹp, giá cả hợp lý.
Nhận định về hiệu quả của các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới tỉnh Sơn La, ông VũVăn Quân - PhóChủtịch UBND huyện Sốp Cộp cho biết, qua việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt, bà con đã nhận thức được đầy đủ hơn về tinh thần và ý nghĩa của CVĐ, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Thông qua các phiên chợ, bà con còn có cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông sản do mình làm ra như: Thịt lợn, gạo nếp, cam, quýt, xoài, sơn tra…
Nhờ hiệu quả các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hiện nay, tại các siêu thị, cửa hàng hay các khu chợ truyền thống tại các huyện, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm khoảng 60 - 80%. Ông Nguyễn Duy Nhượng – Giám đốc Sở Công Thương Sơn La đánh giá: “Điểm đáng mừng là sau một thời gian vận động, tuyên truyền, tăng cường kết nối và đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, người dân Sơn La đã ưu tiên sử dụng hàng Việt. Hàng Việt chiếm tỷ lệ rất lớn tại hệ thống phân phối; được tiêu thụ khả quan trong các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2018, Sơn La đặt mục tiêu mỗi huyện xây dựng được ít nhất 1 Điểm bán hàng Việt Nam”.
Sức hút từ Điểm bán hàng Việt Nam
Cùng với việc chú trọng triển khai hoạt động đưa hàng Việt về miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, Sở Công Thương Sơn La còn đẩy mạnh xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn các huyện. Trong đó, đặc biệt chú trọng các điểm tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Đến nay, Sơn La đã xây dựng được 7 Điểm bán hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt Nam lên đến 90 - 100%.
Nếu như Mộc Châu Farm là điểm bán các sản phẩm đặc sản Sơn La cho du khách như: Dâu tây, mật ong rừng, phấn hoa, chè, miến dong, hoa quả... thì các điểm bán tại huyện Mai Sơn, TP. Sơn La chủ yếu bán hàng tiêu dùng cho người dân. Trong đó, có cả các mặt hàng đặc sản của các địa phương khác phục vụ cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, dù không được hỗ trợ kinh phí nhưng các DN đã tự bỏ vốn, chủ động xây dựng 2 Điểm bán hàng Việt Nam tại TP. Sơn La để phục vụ du khách. Qua đó, Điểm bán hàng Việt Nam sẽ không chỉ là nơi bán hàng cho bà con trong tỉnh mà còn là điểm phát luồng các mặt hàng đặc sản địa phương đi khắp cả nước. Việc nhân rộng những điểm bán hàng này được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối cung cầu, đưa hàng hóa của các DN trong nước sản xuất chiếm lĩnh thị trường, chinh phục người tiêu dùng.