Thừa Thiên Huế xây dựng thí điểm mô hình điểm bán hàng Việt

Thực hiện xây dựng mô hình thí điểm điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, chiều ngày 25/10, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã báo cáo về tình hình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian qua. Theo đó, đã tổ chức hội nghị kết nối, phát triển thị trường sản phẩm nông sản, đặc sản thủ công mỹ nghệ Huế lần thứ 1 vào tháng 5/2016 thu hút khoảng 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia; tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế 2016, thu hút 270 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, với trên 600 gian hàng; đã tổ chức Hội chợ Xuân Bính Thân với 140 gian hàng; Hội chợ thương mại A Lưới (huyện A Lưới) với 150 gian hàng, có 90 cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tham gia; tổ chức 9 chuyến hàng đưa hàng Việt về nông thôn kết hợp với chương trình bán hàng bình ổn giá; phối hợp với các huyện Nam Đông, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc tổ chức thành công 4 phiên chợ hàng Việt, với quy mô từ 22-32 gian hàng/phiên và 100% hàng hóa tham gia là hàng Việt…

Ông Nguyễn Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, thời gian qua, việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng điểm bán hàng Việt trên địa bàn đã tạo cách nhìn mới của người tiêu dùng cũng như các tổ chức, doanh nghiệp về tính ưu việt của hàng Việt. Tuy nhiên, hiện Thừa Thiên Huế đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi việc xây dựng và phát triển hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược và đầu tư lớn.

Do vậy, theo ông Thanh, cần có sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương để thực hiện các đề án năm 2017 như: Đề án xây dựng mô hình doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tại những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; mô hình doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân tại những vùng sản xuất nông nghiệp không tập trung (Đề án 23); tổ chức hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 3 điểm bán hàng Việt…

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định: Lãnh đạo Bộ cũng như các vụ liên quan đánh giá cao công tác này của tỉnh Thừa Thiên Huế. Liên quan đến việc tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, sở nên cân nhắc tìm chủ đề nào phù hợp với các mặt hàng truyền thống đặc trưng liên quan đến vùng đất cố đô để tạo sự khác biệt với các tỉnh khác, từ đó thu hút các doanh nghiệp quảng bá cũng như người tiêu dùng.

Nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, giới thiệu sản phẩm tiếp cận với thị trường và cung cấp những mặt hàng thiết yếu, sản phẩm nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng. Qua khảo sát, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế đã ký hợp đồng hỗ trợ Công ty TNHH MTV nông sản hữu cơ Quế Lâm (Công ty Quế Lâm) triển khai xây dựng thí điểm điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” (địa chỉ 101 Phan Đình Phùng, TP. Huế). Đây là công ty hoạt động sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ cây giống, phân bón đến thành phẩm phục vụ người tiêu dùng với nhiều nông sản như lúa gạo, rau củ, trái cây đến phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ thảo dược…

Sau khi tham quan các điểm sản xuất phân bón, trang trại, điểm bán hàng Việt của Công ty Quế Lâm, bà Nga phấn khởi cho biết: Sở Công Thương đã chọn Công ty Quế Lâm là mô hình điểm bán hàng Việt là rất chuẩn vì đây là đơn vị hàng thuần Việt, do doanh nghiệp Việt, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo công ăn việc làm cho người nông dân với các sản phẩm thực phẩm an toàn có chứng nhận của các cơ quan theo quy định. Ngoài ra, điểm bán hàng còn mang ý nghĩa văn hóa với việc trưng bày rất đẹp. Đây là mô hình đi đúng với định hướng của Bộ về hàng nông sản, tạo công ăn việc làm cho nông dân, kết hợp được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vinh danh hàng Việt Nam, đáng để cho các doanh nghiệp khác học tập.

Bình luận của bạn