VỤ HÀNH TÍM 2015 - 2016: ĐẦU RA VẪN KHÁ NAN GIẢI

Niên vụ hành năm 2015-2016 sắp tới đây được ngành chức năng nhận định sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước những khó khăn đã gặp phải từ các vụ hành trước, hiện chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng có liên quan đang nỗ lực tìm giải pháp giải bài toán đầu ra cho củ hành tím Vĩnh Châu. Thiếu vốn sản xuất do gặp thất bại từ vụ hành trước, lo lắng cho “đầu ra” và giá cả của cây hành trong niên vụ sắp tới là tình cảnh chung của hầu hết các hộ dân trồng hành tím tại thị xã Vĩnh Châu.

Đang “o bế” gần 1 tấn hành giống chuẩn bị cho vụ hành 2015-2016, ông Danh Thươl, ở phường 2 (thị xã Vĩnh Châu) than thở: “Trong suốt 2 năm gần đây, gia đình đều nhận lỗ từ việc trồng hành tím. Vụ gần đây nhất gia đình tôi trồng được 5 công hành, sau khi thu hoạch lỗ hơn 10 triệu đồng khi chỉ bán hành được với giá 4.500 đồng/kg. Nếu tiếp tục lỗ tôi sẽ không còn đủ vốn để sản xuất cho vụ tiếp theo”. Khi được chúng tôi hỏi mong muốn của ông ở vụ hành 2015-2016 là gì, ông Danh Thươl  trầm tư cho biết: “Vốn đầu tư cho mỗi vụ hành cũng khá nhiều mà giá hành được cao chút thì người trồng đỡ; còn nếu mà giá sụt thì cầm chắc cái lỗ. Mong muốn của gia đình bây giờ là nhờ chính quyền địa phương cho vay một số tiền để trồng tiếp vụ hành mới. Đất đai ở vùng này thì chỉ biết trồng cây hành thôi, chứ buôn ra làm ruộng cũng đâu có lãi được bao nhiêu”. Còn đối với gian đình ông Huỳnh Bạc Lợi cũng ở thị xã Vĩnh Châu thì may mắn hơn khi mà hành tím vụ rồi của gia đình bán được giá gần 10.000 đồng/kg. Tuy có lời chút đỉnh để làm vốn cho vụ tiếp theo, song ông Lợi cũng không khỏi lo lắng khi mà thị trường tiêu thụ chưa cho thấy được điều gì gọi là “khả quan”. Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Bạc Lợi bộc bạch: “Đầu tiên là mình lo cái giá trước đã, cái thứ hai đó là đầu ra của củ hành thương phẩm. Nếu mà thị trường đầu ra có thì dù giá có thấp chút cũng không sao. Chỉ sợ đầu ra không có, dân mình dự trữ thì không có kho, củ hành bị thối, làm cho lỗ càng thêm lỗ”. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hàng năm, người dân thị xã Vĩnh Châu gieo trồng hành tím với diện tích giao động từ 5.000 đến 7.000 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 100.000 tấn hành thương phẩm/năm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu thì điều quan ngại nhất là giá hành tím luôn biến động ở mức chênh lệch quá lớn giữa các thời điểm, có lúc lên đến gần 30.000 đồng/kg, có lúc xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg. Cụ thể, trong niên vụ 2014-2015, giai đoạn trước Tết Nguyên đán, thương lái thu mua củ hành giá từ 10.000 đến 12.000 đồng/kg; đến sau tết (lúc này hành tím bước vào thu hoạch rộ), giá giảm xuống chỉ còn 2.000 đến 3000 đồng/kg. Song, từ tháng 7 đến nay, giá hành thương phẩm đã tăng vọt lên 25.000 đến 30.000 đồng/kg, đây cũng là thời điểm người dân không còn hành để bán.

Với thực trạng trên, ngành chức năng của thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức nhiều cuộc họp đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Theo đánh giá chung của ngành chức năng tỉnh thì hành tím đánh mất giá trị là do việc không xuất khẩu được; trong khi thị trường nội địa thì chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng bị “gãy khúc” trong kết nối thị trường “đầu ra” cho loại nông sản đặc trưng này. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất cũng chưa hợp lý, chất lượng hành có phần giảm khi mà nhiều người dân chạy theo số lượng, ít chú ý đến chất lượng… Đồng chí Nguyễn Minh Chí - Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Vừa qua, được sự hỗ trợ của tỉnh, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo nhằm đánh giá việc tìm đầu ra sản phẩm cho hành tím Vĩnh Châu. Trong đó, tập trung tăng cường xúc tiến thương mại; đặc biệt chú trọng các thị trường trong nước, mở rộng quan hệ buôn bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp trong nước thông qua hệ thống siêu thị và các chợ đầu mối lớn để làm sao liên kết được thị trường, tìm “đầu ra” cho sản phẩm từ trong nước rồi mới xúc tiến thương mại với các đối tác nước ngoài”. Về phía tỉnh cũng đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục cho niên vụ sắp tới. Theo đó, trước mắt tỉnh sẽ tập trung khai thác thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; nêu cao vai trò của doanh nghiệp trong kết nối tiêu thụ cũng như cải tạo mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm hành tím và tạo điều kiện cho các hợp tác xã tiếp cận vốn sản xuất. Ngành nông nghiệp xây dựng quy trình canh tác; trong đó phải hướng đến sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, sạch, không dịch bệnh; các giải pháp về khoa học công nghệ như nghiên cứu khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến để nâng giá trị sản phẩm cũng được tỉnh rất quan tâm. “Vấn đề cấp bách hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất cho cây hành tím. Phương án vừa rải vụ nhưng đồng thời cũng tính toán lại giải pháp sau thu hoạch, tức là chế biến, bảo quản. Trước đây, hành tím Vĩnh Châu chỉ tiêu thụ dạnh thô, chỉ bó lại rồi bán. Bây giờ thì phải tính toán đến việc tạo ra nhiều sản phẩm “tinh” hơn từ củ hành tím như làm hành muối, hành phi, rượu hành… để việc tiêu thụ được dễ dàng, thuận tiện, hành bán được giá cao, người trồng hành có được lợi nhuận từ cây hành” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Trí nhấn mạnh.

Giải bài toán “đầu ra” cho nông sản hành tím Vĩnh Châu là việc làm cấp bách hiện nay. Hy vọng với sự quan tâm và nhiều giải pháp của ngành chức năng đã được tính đến, người dân xứ hành Vĩnh Châu sẽ tránh xa được tình trạng phải bỏ xứ đi làm thuê kiếm tiền về trả nợ, rồi lại vay tiền trồng vụ hành mới như đã diễn ra trong hai niên vụ hành vừa qua.

Bình luận của bạn