'Vườn ươm ý tưởng khởi nghiệp' của Đồng Tháp

Sức sáng tạo, lòng khát khao vươn lên trong con người Đồng Tháp không hề thua kém các địa phương khác, nó ở ngay những nơi tưởng chừng như "khuất nẻo" nhất.

Gần đây, nhiều thông tin vui đến với xứ sở Sen Hồng. Ở Tháp Mười có "bốn anh thần kinh" chế tạo "thuyền năng lượng mặt trời", Cơ sở Phan Tấn của anh Tấn Bện chế tạo máy ép rơm, anh Phạm Thanh Liêm sản xuất máy xới, máy cày, các anh còn xuất được máy móc qua tận Mozambique, Myanmar nữa chứ!

Trong miệt đồng Tam Nông có anh Võ Văn Phước cải tiến máy đào đất, máy phun thuốc. Sang xứ Lai Vung có anh Nguyễn Phú Thạnh sáng chế thành công hệ thống "pha thuốc tự động - phun nước tưới vườn điều khiển từ xa", anh Nguyễn Văn Khách cải tiến máy phun nước bán tự động.

Công ty Dasco nghiên cứu thành công "công nghệ sinh học sản xuất các loại nấm" và đã cung ứng ra thị trường, họ còn chuẩn bị sản xuất rau sạch cũng bằng ứng dụng công nghệ cao. Trên Hồng Ngự thì có anh Bùi Thanh Tú làm giàu nhờ chế tạo máy làm bánh hỏi.

Và, chúng ta cũng chưa quên quê mình được biết đến với "Thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy chuyên di dời nhà cửa, chùa chiền, công trình từ trong Nam cho đến ngoài Bắc; còn anh Út máy cày..., và còn biết bao người đầy đam mê, đầy khát vọng như vậy! Điều đó nói lên điều gì? Và gợi mở cho chúng ta những suy nghĩ gì?

Thứ nhất, sức sáng tạo, lòng khát khao vươn lên trong con người Đồng Tháp không hề thua kém các địa phương khác, nó ở ngay những nơi tưởng chừng như "khuất nẻo" nhất.

Nó xuất phát không phải từ trong các cơ sở nghiên cứu khoa học, trong các đề án, kế hoạch của cơ quan nhà nước, mà là từ đòi hỏi của cuộc sống, phục vụ lại chính yêu cầu thiết thân nhất của cuộc sống. Nó xuất phát từ lòng đam mê, từ điều mà chúng ta thường khuyến khích: Đó là"Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm".

Thứ hai, chúng ta không thiếu những chủ trương, chính sách, các hội thi để khuyến khích sáng tạo kỹ thuật, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, thậm chí có những lĩnh vực còn có hẳn những chương trình quốc gia nhưng xem ra kết quả chưa như mong đợi.

Vậy thì sao chúng ta không đi từ những sáng tạo có tính khả thi, tính thực tiễn như vậy để vun đắp trở thành những sản phẩm hàng hóa, thành những chương trình trọng điểm, như: chương trình sử dụng năng lượng tái tạo, chương trình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, phục vụ đời sống...

Thứ ba, chúng ta cần nhìn những tín hiệu như vậy không chỉ như là một sản phẩm vật chất đơn thuần phục vụ một lĩnh vực nào đó vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận, mà hãy nhìn vào đó như những đóng góp cho một hoặc một hệ thống chuỗi giá trị trong các hoạt động của đời sống chúng ta.

Họ chính là những người góp phần tạo dựng nên hình ảnh địa phương Đồng Tháp. Báo chí nước ngoài, các phương tiện truyền thông đã đưa tin và có những bình luận tích cực rồi.

Nhiều chuyên gia ngoài tỉnh đã gửi thư điện tử cho tôi khi có thông tin về những sáng tạo như vậy. Họ chung vui, họ chúc mừng, họ khâm phục về tính sáng tạo, ý chí mạnh mẽ, sự tự tin, lòng khát khao vươn lên, bản tính không chấp nhận lùi bước trước những khó khăn của con người Đồng Tháp. Thật là vui, thật là rất đáng tự hào!

Thứ tư, chúng ta hay nói "Bụt chùa nhà không thiêng!". Chúng ta chú trọng liên kết với các nhà khoa học, các viện, trường để giúp nghiên cứu các đề tài đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh nhà. Điều đó hoàn toàn phù hợp và sẽ phải tiếp tục thực hiện.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải biết chắt chiu những sáng tạo đâu đó từ những người dân, những người bình thường thầm lặng. Họ có thể là những nhà nông chân chất chưa từng biết qua những nguyên lý khoa học, chưa biết thế nào là bản vẽ thiết kế kỹ thuật. Họ có thể là những người ít nhiều cũng qua trường lớp, ngành này ngành nọ.

Có thể những sáng tạo đó ban đầu chỉ là những cải tiến kỹ thuật, hoặc lắp ghép, chưa đáp ứng chuẩn mực của một đề tài nghiên cứu khoa học, chưa phải là một phát minh, sáng chế mới so với bên Tây bên Tàu. Nhưng có một điều chắc chắn là họ đã vượt lên chính mình!

Chúng ta cần trân trọng tính tự chủ, tính hợp tác của những người thực hiện, và càng trân trọng hơn, xứng đáng tôn vinh hơn, chính họ đã góp phần vun đắp, làm đẹp hình ảnh con người Đồng Tháp Sen Hồng.

Khi và chỉ khi thấu hiểu và thấm đẫm được những chân giá trị như vậy, cả bộ máy công quyền chúng ta sẽ có những hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để đồng hành cùng với những con người như vậy, giúp cho những ý tưởng sáng tạo không bị mai một, không chỉ mãi mãi là một mô hình!
 

Bình luận của bạn