4 yếu tố cần lưu ý khi đầu tư khởi nghiệp công nghệ

Liệu nhà đầu tư cần chú ý đến những yếu tố nào khi có ý định tham gia vào lĩnh vực được xem là “thời thượng” này?

 


Khó áp dụng mô hình định giá truyền thống

Đa số các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán dùng những phiên bản nâng cao của phương pháp Chiết khấu Dòng tiền Tự do (Discounted Free Cash Flow) để định giá các doanh nghiệp muốn mua. Phương pháp này dựa trên những giả định về dòng tiền tương lai.

Tuy nhiên, cách đó rất khó áp dụng cho khởi nghiệp công nghệ do những công ty này thường ít khấu hao và luôn phải đầu tư phát triển lâu dài. Cũng vì lý do này mà các phương pháp dựa trên quy chiếu lợi nhuận như P/E, EBITDA cũng khó sử dụng được.

Ngoài ra, các phương pháp định giá dựa trên tài sản cố định cũng không khả thi vì nhiều công ty công nghệ đều không có bất động sản hay máy móc. Tài sản chính của họ là chất xám.

Vì thế, việc định giá khởi nghiệp công nghệ cần quy về các chỉ số hiệu suất (KPI) đặc thù cho mỗi mô hình, ví dụ như số người dùng, giá trị trung bình mỗi người dùng hay chỉ số truy cập. Các KPI này được so sánh với giá trị thị trường của các công ty cùng ngành, qua đó ước lượng giá trị công ty.

Phải có quan điểm đầu tư dài hạn

Các đầu tư truyền thống có thể chọn chiến lược dài hạn hoặc chỉ “lướt sóng”. Tuy nhiên, ý định đầu tư ngắn hạn vào công ty công nghệ tại Việt Nam sẽ khá khó khăn do đặc thù ngành.

Các mô hình công nghệ cao cần rất nhiều tiền đầu tư nghiên cứu và phát triển ban đầu để cho ra sản phẩm. Khi sản phẩm đã thương mại hóa thành công, chi phí cố định sẽ được kìm lại và mức gia tăng chi phí biến đổi cũng không nhanh bằng mức tăng doanh thu. Lợi nhuận đột phá của công ty công nghệ sẽ đến từ đó. Và bởi đặc thù chi phí ban đầu như vậy, nhà đầu tư vào công nghệ cần có quyết tâm và kiên nhẫn cao độ.

Sự kiên nhẫn của họ thường được đền đáp bằng việc công ty nhận đầu tư có thể chiếm lĩnh thị trường. Đa số các sản phẩm công nghệ thành công sẽ đạt được điều này nhờ ít phụ thuộc rào cản địa lý. Ví dụ, người tiêu dùng ở nông thôn hay vùng núi cũng có thể tiếp cận dịch vụ học trực tuyến qua kết nối 3G.

Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến tầm nhìn đầu tư là tính thanh khoản. Khác với thời điểm bong bóng internet hồi cuối thế kỷ 20, các công ty công nghệ trong đợt sóng hiện tại đang được giữ ở nguồn vốn tư (private equity). Vì vậy việc “lướt sóng” tốn rất nhiều chi phí giao dịch.

Đầu tư cả hệ sinh thái công nghệ

Trên thực tế, sử dụng sản phẩm công nghệ không phải là trải nghiệm đơn lẻ, mà là một quy trình nhiều công đoạn. Đơn cử như để tạo điều kiện cho khách mua hàng trực tuyến, ngoài website bán hàng, các công ty còn phải tạo điều kiện cho khách thanh toán trực tuyến, chuẩn bị công tác kho vận để giao hàng đúng hẹn, đầu tư vào các dịch vụ marketing trực tuyến để tái kích thích nhu cầu mua hàng… Từ đó lại nảy sinh hàng loạt vấn đề cần phải đầu tư cho thương mại điện tử như thanh toán điện tử, kho vận, quảng cáo hay hệ thống quản trị thông tin khách hàng.

Điều tương tự cũng diễn ra với nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến khác. Thế nên, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực công nghệ cũng cần tính toán hoặc kêu gọi đồng đầu tư cho cả hệ sinh thái. Chỉ có như vậy, khả năng thành công mới được nâng cao.

Học cách hợp tác với các kỹ sư

Những nhà sáng lập các công ty công nghệ hầu hết là kỹ sư điện toán, lập trình với những ý tưởng giúp giải quyết vấn đề tồn tại trong cuộc sống. Kỹ sư có thể thức thâu đêm với những dòng lệnh lập trình, nói chuyện lý tính hơn là dùng kỹ thuật giao tế.

Vậy nên đầu tư cho công nghệ, nhà đầu tư sẽ phải làm việc cùng những người rất khác so với doanh nhân ở những ngành truyền thống như phân phối bán lẻ hay bất động sản.

Thế giới đang đón nhận một làn sóng công nghệ mới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Người chiến thắng có thể nắm toàn bộ thị trường, nhưng cần đầu tư dài hạn, nghiêm túc và toàn diện. Vậy có nên đầu tư vào công nghệ hay không? Theo tôi, “nhảy vào thì rủi ro không biết ai sẽ thắng, nhưng không nhảy vào thì chắc chắn hối hận vì cuối cùng cũng sẽ có người chiến thắng”.

Bình luận của bạn