9X bỏ việc ở trời Tây về Việt Nam làm bánh giá rẻ
Năm 2008, sau khi Tốt nghiệp cấp 3, Bạch Hồng Anh (1990) quyết định đi du học ở trường Swiss Hotel Management, Leysin chuyên ngành quản lý khách sạn và sự kiện tại Thụy Sỹ. Mặc dù là người hướng nội, nhưng lại tò mò và ham muốn khám phá môi trường mới, cô gái trẻ sang Thụy Sỹ vừa học, vừa tự xin đi làm thêm tại một số nhà hàng ăn. Làm phục vụ bếp cho một quán ăn Thái ở Thụy Sỹ, nhưng Hồng Anh lại mê mẩn những miếng bánh nhiều sắc màu ở nhà hàng bên cạnh. Lân la làm quen và bắt chuyện, Hồng Anh được nhân viên và đầu bếp ở tiệm bánh bên cạnh quý mến. Ngoài giờ làm việc ở nhà hàng Thái, Hồng Anh còn được sang phụ bếp tại tiệm bánh. Vốn bị mê hoặc những chiếc bánh nhỏ xinh được bà nội làm cho ăn từ ngày còn bé, cô nàng trở nên thích thú và nảy ra ý định sẽ mở tiệm bánh riêng cho mình.
Hồng Anh thích thú sáng tạo những chiếc bánh tại tiệm của mình. Ảnh: Ngọc Lan.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, Hồng Anh xin việc ở một nhà hàng ở Thụy Sỹ với mức lương hơn 2.000 USD/tháng. Thế nhưng, giấc mơ mở tiệm bánh ngọt cứ thôi thúc, nên chỉ gần 1 năm sau, cô nàng quyết định nghỉ việc về Việt Nam. Ngay sau khi về nước, Hồng Anh dành toàn bộ thời gian để khảo sát thị trường các tiệm bánh ở Hà Nội. Nhưng, những khó khăn về địa điểm cũng như thị trường tại Việt Nam khác nhiều so với suy nghĩ và dự tính của Hồng Anh, và giấc mơ bị gác lại. Hồng Anh được nhận vào làm với vị trí điều phối viên kinh doanh tại một khách sạn 5 sao cao cấp ở Hà Nội với mức lương khởi điểm là 400 USD/tháng (gần 8 triệu đồng). Sau 6 tháng làm việc nỗ lực, cô được đề xuất thăng tiến, thế nhưng cô nàng lại một lần nữa khiến nhiều người bất ngờ với quyết định táo bạo, xin thôi việc để mở tiệm bánh.
Những chiếc cupcake có vị đặc trưng được khách hàng thích thú. Ảnh: Ngọc Lan.
“Là con gái trên thường trường chắc chắn sẽ vất vả, hơn nữa công việc hiện tại với cơ hội phía trước là không quá tệ đối với con. Thế nhưng, Hồng Anh đã quyết tâm thì tôi có phản đối cũng không ngăn được”, bác Bình, bố của Hồng Anh chia sẻ. Mang số tiền tích góp được gần 100 triệu đồng và thêm sự giúp đỡ của mẹ, cô gái tuổi Ngọ quyết định mở tiệm bánh. Do nguồn vốn có hạn nên cô nàng tận dụng mặt bằng nhỏ của gia đình để mở quán. “Quá trình mở tiệm bánh, trang trí, lên menu hoàn thành chỉ chưa đến 1 tuần. Ban ngày trang trí, chuẩn bị cửa hàng cùng thợ, tối tối mình lại lên mạng tìm hiểu và thử làm những loại bánh mới và một số trà, mứt kết hợp. Có ngày làm việc đến 15 tiếng nhưng mình không cảm thấy mệt", Hồng Anh chia sẻ. Tuy nhiên, do tiệm bánh nằm ở trên khu phố khá vắng vẻ, các khu dân cư có tỷ lệ người lớn tuổi đông hơn nên thị trường bánh ngọt bị hạn chế. Chưa kể tư duy bán hàng theo phong cách Tây hóa không mang lại hiệu quả ở Hà Nội. Vì thế sau 2 tháng đi vào thử nghiệm, lượng bánh tiêu thụ rất ít, thậm chí có tháng tính tiền nguyên liệu, chi phí điện nước… còn bị âm một nửa so với tiền thu về. Khi cảm thấy hụt hẫng, thậm chí có lúc bị stress nặng thì bố lại là người khuyên nhủ và động viên Hồng Anh nhiều nhất. Đó cũng là động lực để cô con gái quyết tâm phải tìm bằng được cách tháo gỡ khó khăn.
Những chiếc bánh tại tiệm chỉ có giá 10.000-15.000 đồng. Ảnh: Ngọc Lan.
Hồng Anh quyết định thay đổi thành phần làm bánh bằng cách giảm chất béo, tăng vị hoa quả, trà xanh để bánh có vị hài hòa, người ăn không sợ béo. Một mình vừa làm bánh, vừa bán hàng, cô nàng còn tranh thủ buổi trưa và tối đi phát tờ rơi tại các trường học, văn phòng lân cận. “Người Việt Nam thích ăn bánh bông, xốp, có vị ngọt vừa, đặc biệt giá phù hợp và bắt mắt, trong khi người ngoại quốc thích bánh đậm đà. Vì vậy, ngoài thay đổi nguyên liệu, phương pháp làm bánh mình cũng tự lên mạng tìm và học cách làm các loại nước sốt, mứt cũng như đồ pha chế khác", Hồng Anh chia sẻ. Chỉ một tháng sau, khách đến ăn đông gấp đôi, khoảng 20 lượt khách/ngày, kết hợp bán online, cửa hàng cho thu lời 20 triệu đồng/tháng. Có rất nhiều khách nước ngoài đến ăn và lựa chọn tiệm bánh của Hồng Anh làm địa điểm quen thuộc. Anna, một người Đức đang sống và làm việc tại Hà Nội, là khách quen của tiệm bánh cho biết, bánh ngọt và trà quán của Hồng Anh ăn rất ngon, vị vừa phải, và hơn hết là cô chủ quán rất hòa đồng, dễ tính. Thông thường, vào cuối tuần, Anna thường rủ bạn bè đến quán để hàn huyên, tâm sự. Có khách hàng, kinh doanh tốt, Hồng Anh đã truyền được cảm hứng làm bánh cho cậu của mình. Hai cậu cháu thường xuyên tìm và học làm những loại bánh mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, làm mới mẻ thực đơn của tiệm bánh. Hồng Anh chia sẻ: "Mỗi chiếc bánh như một đứa con tinh thần, nên khi làm mình truyền hết những tinh hoa và tâm huyết vào nó. Để khi mỗi vị khách thưởng thức, họ không chỉ thấy bánh ngọt, bánh ngon mà còn cảm nhận được tình cảm của mình dành cho họ"