9X khởi nghiệp thành công từ niềm đam mê nông nghiệp

Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, rồi làm việc ở Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn, nhưng niềm đam mê nông nghiệp đã thúc đẩy "trai đẹp" 9X Lê Huệ, tỉnh Quảng Trị từ bỏ tất cả, về quê trồng cây, tổ chức chưng cất tinh dầu xả và trở thành “chuyên gia” tinh dầu.

Doanh thu 180 triệu đồng/ha sả

Từ TP.Đông Hà (Quảng Trị) tôi ngược 50km lên miền núi xã Hải Phúc (Đakrông, Quảng Trị)  để tìm gặp Lê Huệ - người đang “cầm tay chỉ việc” cho chị em người Vân Kiều - Pa Kô trồng cây sả. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Huệ đẹp trai, gương mặt ăn hình kiểu "trai đẹp", tác phong năng động và nhiệt tình.

Sinh ra nơi quê nghèo thôn An Xá (xã Trung Sơn, Gio Linh), từ bé Huệ đã cố gắng học tập, làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Huệ có thành tích học tập khá ấn tượng, rồi thi đỗ ngành kỹ sư xây dựng (Đại học Đà Nẵng). Huệ ra trường nhưng làm trái nghề ở Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn.

Bấm đốt ngón tay, Huệ cho biết, khi còn làm việc ở Viện Nghiên cứu từ năm 2013 đến 2015, cậu đã điều hành 3 dự án lớn và nhiều dự án nhỏ của của tổ chức phi chính phủ do các nước Hà Lan, Đức, Trung Quốc tài trợ. Các dự án đã giúp đỡ hơn 1.000 người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông (Quảng Trị) và huyện Tây Giang (Quảng Nam) có sổ đỏ, cây trồng mới, nghề mới, tăng nhận thức về áp dụng khoa học kỹ thuật cao hơn vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Đầu năm 2015, khi Huệ được Viện Nghiên cứu cho đi tham quan các mô hình trồng cây dược liệu ở các tỉnh Ninh Bình, Lào Cai, Nghệ An...anh thấy nông dân làm rất hiệu quả. Huệ nhớ đến quê nhà, nơi có đất đai khá nhiều, khí hậu khắc nghiệt sẽ giúp cây dược liệu có tinh chất cao-những loại cây chưa được trồng nhiều. “Lúc đó mình nghĩ, người ta làm được thì bà con quê mình cũng làm được. Thế là mình tỉ mỉ hỏi kỹ thuật, lợi nhuận trồng sả ra sao...” –Lê Huệ kể.

Để chắc chắn, Huệ đem thắc mắc ấy đi gặp các chuyên gia nông học và nhận được lời động viên nên trồng cây dược liệu, đặc biệt là sả. Huệ lý giải, sả là cây đa giá trị, ngoài phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày, còn dùng để chưng cất tinh dầu phục vụ ngành dược và là nguyên liệu cần thiết cho ngành công nghiệp mỹ phẩm… Cây sả có thị trường rất lớn ở nhiều nước trên thế giới.

Thấy hiệu quả của cây sả cao, Huệ trình bày ý tưởng thì bị gia đình phản đối. Mẹ Huệ mấy đêm thức trắng nghĩ ngợi, khó lắm con mình mới tìm được công việc tốt, lương tháng gần chục triệu đồng, nay lại bỏ để theo đuổi một việc chưa ai làm ở tỉnh, không biết tương lai sẽ về đâu... Bạn bè Huệ biết chuyện cũng can ngăn nhưng Huệ vẫn hạ quyết tâm làm cho bằng được.

Cuối năm 2015, Huệ viết đơn xin nghỉ việc ở Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn, mạnh dạn vay mượn nhiều nơi được 200 triệu đồng để thuê 5ha đất hoang ở khu phố Nam Hùng (thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ) trồng sả. Trước khi trồng, Huệ ký hợp đồng với một Hợp tác xã ở Ninh Bình để đảm bảo đầu ra, còn cây giống thì thu gom, mua ở các hộ gia đình trên địa bàn Quảng Trị.

Huệ kể: “Ngày khai phá mảnh đất 5ha xuống giống trồng sả, mọi người lắc đầu ngao ngán, sợ mình vỡ nợ. Lâu lâu, có người gọi điện hỏi thăm: Cây sả sao rồi, có còn sống không? Sau khi trồng, mình còn phải xoay xở nhiều nơi mua 2 máy chưng cất tinh dầu, mỗi máy 150 triệu đồng”.

Nhờ chăm sóc đảm bảo kỹ thuật nên sả Huệ trồng rất tốt, hàm lượng tinh dầu cao, đem lại nguồn thu nhập khá ổn định. Riêng năm 2016, với 5ha cho thu hoạch 4 đợt, Huệ chưng cất được 1.500 lít tinh dầu, doanh thu 900 triệu đồng; sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 400 triệu đồng. Tính bình quân, mỗi ha sả cho doanh thu 180 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 80 triệu đồng.

Trên diện tích 5ha sả, Huệ trồng xen thêm hàng trăm cây ổi, xoài, chanh…cho thu nhập 40 triệu đồng/năm. “Cây sả đuổi được côn trùng gây hại nên cây ăn quả trong vườn mình không cần phun thuốc trừ sâu, ổi và xoài rất sạch, nhiều thương lái tranh nhau mua” – Huệ khoe.

Những ước mơ lớn

Sản xuất nhiều loại tinh dầu nên Huệ thường xuyên “phiêu bạt kỳ hồ” để tìm mối liên kết đầu ra cho sản phẩm. Cũng bởi vậy, Huệ nhận được nhiều đơn hàng ở nước ngoài muốn tiêu thụ đến 1.000 lít tinh dầu/tháng nhưng anh chàng chưa dám ký hợp đồng vì vùng nguyên liệu còn ít, không đủ cung cấp.

Khẳng định được hiệu quả của cây sả, Huệ tính đến chuyện nhân rộng cho bà con đồng bào Vân Kiều – Pa Kô ở Đakrông. Huệ cất công dẫn bà con về vườn sả ở Cam Lộ để tận mắt chứng kiến các khâu từ trồng đến chưng cất. Được chính quyền giúp đỡ, Huệ hỗ trợ phân bón, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, lắp đặt máy chưng cất tại vườn và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm trồng sả.

Huệ cho hay, cây sả dễ trồng vào tháng 9, theo tỷ lệ 50cm x 50cm, mỗi ha trồng được 40.000 cây. Sau 6 tháng bà con có thể thu hoạch lứa sả đầu tiên, và tiếp theo cứ 2 tháng cắt lá một lần (cắt cách gốc 20cm), mỗi năm cắt 4-6 đợt tùy vào thời tiết. Trung bình mỗi ha sả cho thu hoạch đến 100 tấn lá/năm, chưng cất được 300 lít tinh dầu, doanh thu 180 triệu đồng. Mỗi gốc sả trồng xuống có thể cho thu hoạch liên tục 3 năm, sau đó mới phải trồng lại. “Trồng sả quan trọng nhất là phải bón phân chuồng và vun gốc thường xuyên vì sả thường bị hở rễ vì mọc trồi lên mặt đất” – Huệ chia sẻ.

Tại huyện Đakrông lúc này, nông dân đã trồng tập trung trên 25ha sả, còn huyện Gio Linh đến 30ha. Chị Hồ Thị Cam (thôn 5, xã Hải Phúc, Đakrông) cho biết, trước đây bà con dân tộc Vân Kiều – Pa Kô khổ cực, có đất mà không biết trồng gì, đành bỏ hoang. Từ ngày có Huệ về hướng dẫn trồng sả, bà con đã có thu nhập khá, cuộc sống được cải thiện nên tự nguyện thành lập HTX VanPa chuyên trồng sả. Huệ dự kiến cuối năm 2017 sẽ đặt 5 máy chưng cất tinh dầu sả ở 5 vùng nguyên liệu tập trung để nông dân thuận tiện sản xuất.

Hết kể chuyện trên núi, Huệ dẫn chúng tôi về vùng ven biển Quảng Trị, nơi hàng ngàn người dân đang phải tìm đủ mọi cách vượt qua khó khăn cho sự cố môi trường biển do Fomorsa gây ra. Huệ chỉ cho tôi những cánh rừng tràm gió bạt ngàn và nói rằng: “Lá tràm hái ra tiền nhưng người dân khai thác tận diệt nên không được lâu dài. Nhưng mình đã có cách”.

Nói rồi Huệ dẫn tôi thăm nơi đặt máy chưng cất tinh dầu tràm ở xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng. Huệ bảo rằng, phải mất 10 - 15 năm cây tràm gió mới đủ lớn để con người hái lá nấu dầu. Để cất được 1 lít tinh dầu tràm cần 3 tạ lá tràm gió tươi. Vì ham cái lợi trước mắt, nhiều người đốn hạ cây tràm để lấy lá cho nhanh dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu. Thấy vậy, Huệ đã đến gặp người dân, tuyên truyền cho họ nên bắc thang hái lá tràm, dù thu nhập thấp hơn nhưng được lâu dài. Để dân tin, Huệ đặt máy chưng cất ngay ở biển và ký hợp đồng thu mua dầu tràm cho dân.

Ở Quảng Trị, có loại cây bạch đàn rất quý để chưng cất tinh dầu khuynh diệp phục vụ ngành dược. Ngay lập tức, chàng trai 9X kêu gọi nhân dân ở Quảng Trị, Quảng Bình 

và Hà Tĩnh bứt lá bạch đàn về nấu. Chỉ riêng năm 2016, Huệ đã sản xuất được 2.500 lít tinh dầu tràm, doanh thu 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, “chuyên gia” tinh dầu Lê Huệ đang tạo việc làm cho 50 lao động thường xuyên và 100 lao động thời vụ có thu nhập ổn định.

Nở nụ cười tươi, Huệ cho biết, đầu tháng 10 sẽ chưng cất thêm nhiều loại cây dược liệu khác như cao chè vằng, cà gai leo, lạc tiên... Rồi sản xuất dầu gội đầu từ các loại thảo dược “cây nhà lá vườn” như vỏ bưởi, hương nhu, bồ kết, sả,…Huệ còn xây dựng website quảng bá tất cả nông đặc sản của Quảng Trị để người dân mọi miền đất nước và thế giới biết đến.

Chiều xuống, tôi rời vườn cây của Huệ. Cảm phục tinh thần, ý chí làm giàu của Huệ và mong chàng trai 9X đạt được ước mơ lập nên sàn thương giao dịch thương mại điện tử nông nghiệp Quảng Trị.

Bình luận của bạn