9X khởi nghiệp thành công từ trang trại nấm
Mỗi ngày trang trại nấm cho ra lò 3.000 túi phôi, sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng chủ trại nấm còn lãi khoảng 150 triệu đồng.
Thanh niên Bùi Minh Thắng (sinh năm 1991) là chủ trại Nấm 10 Sài Gòn (ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP HCM) có diện tích 700 m2, đang sản xuất phôi nấm với trên 10 loại giống.
Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp với nghề nấm, anh Bùi Minh Thắng cho biết, anh đã từ bỏ đi du học tại Nhật Bản để gắn bó với sự đam mê nghề trồng nấm cách đây hơn 20 năm, với số vốn 300 triệu đồng vay của người thân.
Tuy nhiên, thời điểm khởi nghiệp ban đầu gặp nhiều khó khăn, từ thiếu vốn, thiếu nhân lực có kỹ thuật tới đầu ra sản phẩm cũng không ổn định. Đặc biệt, meo giống phải đi mua lại từ đơn vị khác nhiều khi không đảm bảo nên tỷ lệ lên giống thành công không cao.
Không nản chí, chàng thanh niên Bùi Minh Thắng bắt đầu phân tích, tìm nguyên nhân thất bại để tiếp tục theo đuổi giấc mơ phát triển nghề nấm. Bên cạnh các nguồn quỹ do tổ chức Đoàn, Hội địa phương giới thiệu, Thắng đã quyết định gom hết tất cả sổ đất, nhà ở để đi vay, mượn thêm 600 triệu đồng tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất nhà trại từ 100 m2 lên 700 m2.
Đồng thời, anh Thắng bắt tay vào nghiên cứu sản xuất meo giống để đảm bảo chất lượng và cho ra đời lô phôi đầu tiên do chính tay mình tạo giống vào đầu năm 2016. Qua nhiều lần cải tiến và áp dụng kỹ thuật mới, hiện tại tỷ lệ phôi thành công đạt từ 95-97%.
Cùng với đó, trại nấm cũng được anh Thắng đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nấm như thay thế lò đốt củi trực tiếp bằng lò hơi góp phần giảm thiểu chi phí vận hành, giảm thiểu tối đa khí thải vào môi trường; hay sử dụng máy phun sương, máy tự động điều chỉnh nhiệt độ nhà trại, lò hấp phôi, lò áp suất, phòng nuôi cấy meo giống giúp kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm nhà trại, tạo môi trường tốt nhất cho cây nấm phát triển.
“Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trang trại giống, chuyển từ lò đun củi sang lò hơi để tiết kiệm thời gian và nguyên liệu. Máy phun sương tự động để giúp điều chỉnh nhiệt độ trong nhà trại được chuẩn hơn, khi nấm ra sẽ đẹp hơn và giảm nhân công. Khi áp dụng khoa học tự cấy giống bằng thiết bị từ nước ngoài thanh trùng tuyệt đối, việc cấy phôi đã không bị ô nhiễm”, anh Thắng cho biết.
Bên cạnh những kinh nghiệm truyền nghề từ gia đình, tất cả những kỹ thuật nuôi trồng nấm mới được anh Thắng tự mày mò qua nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đồng thời tìm hiểu thực tế ở các trại nấm trong cả nước, từ đó cải tiến thành những phương pháp phù hợp nhất.
Đến cuối năm 2016 quy trình sản xuất nấm của Thắng đã dần hoàn thiện và đạt kết quả tốt. Hiện nay, trại nấm của anh Bùi Minh Thắng cung cấp 10 loại phôi giống nấm, mỗi ngày, cho ra lò 3.000 túi phôi. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng trại nấm còn lãi khoảng 150 triệu đồng.
Mô hình sản xuất phôi nấm của anh Bùi Minh Thắng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo thêm việc làm thường xuyên cho 10 lao động tại địa phương với thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, tùy vị trí công việc.
Làm việc ở khâu đóng túi phôi tại trại nấm, chị Nguyễn Thị Quang (ngụ xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) chia sẻ, trước đây chị đi làm thuê nhiều công việc thời vụ, thu nhập bấp bênh nhưng 2 năm trở lại đây làm việc tại trại nấm đã giúp chị thu nhập ổn định hơn khoảng 5-6 triệu đồng mỗi tháng.
Với nhu cầu của bà con nông dân ngày càng lớn nên dự kiến trong năm 2018, chàng thanh niên Bùi Minh Tuấn tâm huyết mở rộng quy mô trang trại nấm của mình lên gấp đôi để tăng số lượng cung cấp khoảng 6.000 túi phôi nấm/ngày.
Với những đóng góp tích cực của mình trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tháng 10/2017, anh Bùi Minh Thắng đã vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong tháng 1/2018, thanh niên này vinh dự là 1 trong 10 Công dân trẻ tiêu biểu của TPHCM.