9X khởi nghiệp với nghề trồng cam Canh, thu nhập 600 triệu/năm

Bỏ dở Đại học Chu Văn An, chuyên ngành kiến trúc về trồng hơn 1.000 gốc cam Canh trên 2ha đất dốc, mỗi năm anh đút túi gần 600 triệu đồng.

Anh Đỗ Văn Long sinh năm 1994, tiểu khu Pa Khen (thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) bỏ dở Đại học Chu Văn An, chuyên ngành kiến trúc về trồng hơn 1.000 gốc cam Canh trên 2ha đất dốc, mỗi năm anh đút túi gần 600 triệu đồng.

Sau khi bỏ dở việc học đại học về quê trồng cam Canh phát triển kinh tế, nhiều bạn bè, thầy cô, gia đình can ngăn, nhưng anh Đỗ Văn Long vẫn quả quyết từ bỏ 4 năm ăn học ở dưới tỉnh Hưng Yên, dù chỉ còn 1 năm nữa là anh cầm tấm bằng đại học ra trường...

Thấy con giữ vững lập trường về quê làm kinh tế, bố mẹ anh Long cũng đành chiều theo nguyện vọng của con. Khi mới bắt tay vào công việc cam trên đất dốc, anh gặp rất nhiều khó khăn trong khâu chăm bón, kỹ thuật cắt tỉa cây trồng, bởi anh chưa có kinh nghiệm và trải qua trường lớp đào tạo nào về nông nghiệp.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Long tậm sự: Thời gian bắt đầu trồng cam Canh, tôi gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, nhưng rất may lúc đó bố mẹ luôn ở cạnh động viên và hỗ trợ. Sau đó, tôi xuống nhà vườn lớn ở tỉnh Hòa Bình thuê riêng 1 kỹ thuật viên về nhà để dạy và học hỏi kinh nghiệm trồng cam. Hơn 1 năm sau, tôi đã nắm vững được mọi kỹ thuật trồng cam, tưới bón, cắt tỉa... rồi áp dụng vào vườn cam Canh 2ha của mình....".

Nhờ sự đầu tư vốn mời kỹ thuật viên về dạy tại vườn, đến nay anh Long đã có vườn cam Canh phát triển xanh mướt và sai trĩu quả. Khi nhìn lại chặng đường đã qua, anh nhận thấy sự quyết định của mình rất đúng đắn. Vì thế mà anh đã có thành công như ngày hôm nay.

Để vườn cam Canh phát triển tươi tốt, sai quả, ít bị sâu bệnh, hàng ngày anh Long đều lên vườn tưới nước, bón phân, làm cỏ đều đặn tránh làm cây thiếu chất dinh dưỡng. Về phân bón cho cây trồng anh dùng phân chuồng và phân NPK... Ngoài ra, anh Long còn xây bể với dung tích 50m3 ủ đậu tương, ủ ngô trộn với phân lân làm phân bón tưới cho vườn cây. Anh hầu như không sử dụng các loại chất kích và chất bảo quản hóa học trong trồng cam Canh.

Với đức tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, hiện anh Long có 1.000 gốc cam Canh cho sai quả bán trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Cuộc sống kinh tế của gia đình anh ngày dư giả và có của ăn của để. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Long còn tạo công ăn việc làm cho 3 người dân tộc thiểu số ở địa phương, mỗi tháng 3 triệu đồng/người.

Anh Đỗ Văn Long cho biết: Nhờ trồng cam Canh, thu nhập của gia đình luôn tăng cao. Hiện, cam Canh tôi bán tại vườn dao động 25.000 – 27.000 nghìn đồng/1kg vào dịp giáp Tết âm lịch. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, mỗi năm tôi lãi gần 600 triệu đồng từ 2ha cam Canh. Khi đạt được thành quả lớn như ngày hôm nay, tôi rất vui mừng và cảm ơn bố mẹ đã luôn ở bên cạnh, động viên giúp đỡ tôi vượt qua mọi khó khăn gian truân thời điểm bắt đầu làm nông nghiệp.

Cam Canh của gia đình anh Long luôn đảm bảo chất lượng, sạch, không dùng chất bảo quản... nên được rất nhiều khách hàng và thương lái ưa chuộng. Vào các dịp giáp Tết âm lịch, anh Long hầu như cháy hàng.

 

Bình luận của bạn