9x kiếm bộn tiền từ đặc sản quê
Trong một lần tình cờ về quê thăm gia đình chồng ở Phan Rang (Ninh Thuận), thấy được những đặc sản quê hấp dẫn, Huỳnh Thị Mỹ Oanh, sinh năm 1992, nhân viên xuất nhập khẩu ở TP HCM nảy ra ý tưởng kinh doanh để kiếm thêm thu nhập.
“Ở Phan Rang có nhiều đặc sản lắm nhưng trước giờ người dân không biết quảng bá nên tôi thấy đây là cơ hội để 2 vợ chồng trẻ thực hiện đam mê kinh doanh, đồng thời, góp phần đưa đặc sản quê hương tới nhiều tỉnh thành trên cả nước. Năm 2014, chúng tôi chính thức mở cửa hàng ở quận 10”, Oanh tâm sự.
Vốn tự lập từ nhỏ nên khi bắt đầu kinh doanh, vợ chồng Oanh tính toán khá kỹ các hạng mục đầu tư và dùng tiền tích lũy được để mở cửa hàng. Vì cẩn trọng nên vốn ban đầu của 2 vợ chồng bỏ ra chỉ 50 triệu đồng, bao gồm chi phí thuê mặt bằng, dụng cụ buôn bán và tiền trả cho nhân viên giao hàng 2 tháng đầu tiên. Riêng chi phí xây dựng website để quảng bán sản phẩm và bán hàng online, cô chủ 9x này không mất đồng nào vì chồng là dân công nghệ thông tin.
“Chồng tôi thiết kế chỉn chu tất cả mọi thứ về hình ảnh cũng như các từ khóa tìm kiếm để cho khách hàng biết đến mình một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu vì khi bắt tay vào kinh doanh, mọi vấn đề phát sinh mới xuất hiện. Điều khiến 2 vợ chồng luôn đau đầu là khâu nguyên liệu và giao hàng”, Oanh bộc bạch và cho biết, đã phải bỏ ra cả tháng để đi tìm nguồn cung ứng sản phẩm chất lượng, ổn định.
Để khảo sát nhu cầu khách hàng, Oanh không dám nhập nhiều hàng mà chỉ nhập một số đặc sản nhất định như mủ trôm, mật ong rừng, hạt é, tỏi… với số lượng chỉ vài kg. Vì nhập số lượng ít mà di chuyển xa nên hàng về đến TP HCM tốn khá nhiều chi phí. Nhưng để lấy được khách, Oanh kiên trì bù lỗ và bán với giá phải chăng nhất.
Bên cạnh nguồn hàng thì dòng tiền mặt để duy trì kinh doanh cũng khá quan trọng vì kinh doanh mặt hàng này đòi hỏi phải có nguồn vốn xoay vòng liên tục nên toàn bộ số tiền lương mà 2 vợ chồng nhận được hàng tháng tại công ty đang làm việc đều dùng hết vào việc mua hàng.
“Nửa năm đầu tiên chúng tôi không những làm không công mà còn liên tục phải bù lỗ, nhưng đến tháng thứ 7 lượng khách bắt đầu tăng lên và doanh thu bù đắp được các chi phí bỏ ra. Lúc đó, cả hai nghĩ mình thật may mắn chỉ trong nửa năm đã thoát lỗ, sớm hơn so với kế hoạch đặt ra ban đầu”, Oanh chia sẻ
Cũng chính từ tháng thứ 7 này, vợ chồng Oanh bắt đầu đẩy mạnh marketing bằng những bài viết về địa điểm du lịch kèm giới thiệu các đặc sản hấp dẫn trên website, giúp khách hàng biết và hiểu nhiều hơn về công dụng cũng như điểm đặc biệt của sản phẩm. Sau 2 năm kinh doanh, giờ đây cửa hàng của vợ chồng cô gái 9x này đã có hàng trăm khách hàng thân thiết. Số lượng sản phẩm 100% có nguồn gốc từ Phan Rang đạt mốc con số 30 loại. Hiện, mỗi tháng, sau khi trừ tất cả chi phí vợ chồng Oanh thu lãi 35-50 triệu đồng.
Chia sẻ thêm về bí quyết kinh doanh, Oanh cho biết, để kinh doanh tốt đặc sản vùng miền và giữ chân được khách hàng thì cần giao hàng nhanh, sản phẩm chất lượng. Muốn vậy thì cần xây dựng đội ngũ giao hàng chuyên nghiệp, chọn đối tác cung cấp hàng đảm bảo, kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi nhập.
Đối với một số loại nông sản, hải sản quý hiếm thì chỉ nên lấy theo đúng vụ mùa vì đó mới là những sản phẩm chất lượng nhất. Ngoài ra, cần có cách bảo quản sản phẩm hợp lý, an toàn.
Cụ thể, đối với các loại cua ghẹ, sản phẩm này dễ bị óp và hư hỏng nên khi nhập hàng cần lựa chọn tàu thuyền đánh bắt, bám sát để biết được thời gian cập bến và nhập hàng tươi nhất có thể. Khi thu gom, để bảo quản sản phẩm tốt thì các loại này cần gây tê bằng cách sốc nhiệt. Ví dụ như với cua huỳnh đế, cho cua vào thùng đá bảo quản ngay khi vừa đưa lên bờ. Cua tiếp xúc với nhiệt độ lạnh cao sẽ ngủ mê, trong thời gian này di chuyển chúng về cửa hàng. Khi rã đông, cua sẽ tỉnh lại, thịt vẫn chắc và ngọt.
Tôm cũng giữ tươi bằng cách này nhưng khó làm hơn nên phải gây tê từ từ, nếu để nhiệt độ không khéo tôm sẽ bị chết. Do vậy, mỗi loại sản phẩm, cửa hàng sẽ có cách giữ tươi khác nhau để đảm bảo hàng chất lượng cho khách.