9X lập nghiệp thành công với nghề nuôi ghẹ lột
Với quyết tâm mong muốn khởi nghiệp từ chính quê hương mình, anh Nghĩa đã thành công trong mô hình ghẹ lột.
Mô hình nuôi ghẹ lột của anh Trần Nghĩa ở thôn Thanh Mỹ, ở xã Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đây được xem là mô hình hoàn toàn mới và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Với giá bán bình quân 230.000 đồng/kg, vào vụ mỗi ngày 9X xứ Huế thu cả chục triệu đồng.
Qua nhiều thông tin, chàng thanh niên 26 tuổi đã quyết định tìm hiểu và hướng đến việc đem mô hình này về quê hương mình. Anh Nghĩa cho biết lý do anh chọn mô hình này vì thấy nó rất lạ, ở Huế gần như ít người biết đến và sau một thời gian nuôi ghẹ lột anh thấy rất hiệu quả.
Bằng niềm đam mê với việc nuôi trồng thủy sản, anh khởi nghiệp từ mô hình mới mẻ này. Sau một thời gian dài học hỏi kinh nghiệm, học cách nuôi ghẹ lột, anh Nghĩa đã bắt tay nuôi thử nghiệm. Ban đầu vì nguồn vốn còn hạn hẹp, anh chỉ nuôi thử vài lồng, sau nhiều năm, hiện tại mô hình của anh đã nhân rộng từ 15 - 20 lồng, mỗi lồng trung bình 25kg ghẹ. Thời gian nuôi ghẹ lột trong vòng 6 tháng. Đến mùa thu hoạch, số lồng mà anh nuôi được có thể xuất đến 30-40 kg ghẹ lột/ngày, giá của ghẹ lột cũng tùy theo loại, loại đắt nhất có giá 230.000 đồng/kg, loại rẻ khoảng 80.000 đồng/kg.
Anh Nghĩa chia sẻ: “Tôi lấy giống nuôi từ trong Phú Yên và mua lại của một số ngư dân khai thác trên đầm phá, ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì lo ngại nguồn nước bị ngọt hóa sẽ khiến ghẹ chết. Sau nhiều lần học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, tôi đã thành công”.
Cũng theo anh Nghĩa, việc nuôi ghẹ lột yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước, ghẹ là một loại giáp xác rất nhạy cảm với sự thay đổi từ những môi trường sống. Phải là nguồn nước tự nhiên có độ mặn từ 20-23%, đây là nguồn nước lý tưởng cho ghẹ phát triển, mau lớn và nhanh lột. Quan trọng là không để cho ghẹ chết sau khi vừa lột xong, người nuôi phải chú ý để xử lý ghẹ lột. Phải thường xuyên di chuyển ghẹ sang các lồng lưới khác nhau khi phát hiện những dấu hiệu thay đổi về màu sắc, kích cỡ.
Để khuyến khích người ngư dân khởi nghiệp, năm 2017, Phòng Nông nghiệp huyện Phú Vang đã hỗ trợ 50 triệu để nhân rộng mô hình này ra. Hiện tại ở địa phương, ngoài anh Nghĩa ra còn thêm hai hộ gia đình nuôi ghẹ lột mang lại thu nhập khá cao giúp ổn định đời sống người dân.
Khi được hỏi về bí quyết nuôi ghẹ lột, kinh nghiệm nuôi ghẹ lột, kỹ thuật nuôi ghẹ lột, anh Nghĩa tóm gọn: “Nuôi ghẹ lột, sau khi chọn con giống thì cắt bỏ mắt của ghẹ để chúng khỏi phải cắn nhau, trước khi thả xuống bè. Sau đó, cho ghẹ ăn cá băm nhỏ từ 5 - 10 ngày để ghẹ mau lớn và lột. Ghẹ được bắt lên sau khi lột, ngâm đá thì tiến hành sơ chế rồi cho ghẹ vào đông lạnh ở -35 độ C. Sau đó cho vào tủ đông để bảo quản trước khi xuất ra thị trường.”
Trong những năm gần đây thì thị trường tiêu thụ ghẹ lột ngày càng được mở rộng ra, thịt của ghẹ lột chắc và ngọt nên người dùng yêu thích và lựa chọn ngày càng nhiều. Mô hình của anh Nghĩa mỗi vụ đều thu hoạch với số lượng lớn, mỗi lần bán đều có thương lái đến tận nơi mua hoặc đóng thùng chuyển vào cho các công ty chế biến thủy sản ở các tỉnh lân cận. Mỗi vụ, thu nhập bình quân của anh gần 80 triệu đồng.
Với quyết tâm mong muốn khởi nghiệp từ chính quê hương mình, anh Nghĩa đã thành công trong mô hình ghẹ lột. Không chỉ mang lại kinh tế cao, mô hình còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng tới việc phát triển đa dạng đối tượng nuôi nhằm ổn định, phát triển sản xuất bền vững.
Ông Hoàng Trọng Đoài, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho hay, đây là một trong những mô hình khởi nghiệp còn khá mới mẻ nhưng đã đem lại thành công nhất định. Không dừng lại đó, chàng trai trẻ Trần Nghĩa có đang tiếp tục phát triển mô hình và giúp đỡ người dân địa phương nhân rộng ra cho bà con cùng triển khai.