Bỏ mức lương hơn 5.000 USD để khởi nghiệp ở tuổi ngoài 40
Làm quản lý 15 năm với mức lương trên 5.000 USD mỗi tháng, ông Lâm Minh Chánh vẫn quyết định buông bỏ để khởi nghiệp khi đã hơn 40 tuổi.
Tốt nghiệp MBA hạng ưu của Trường đại học Kỹ nghệ Sydney theo chương trình học bổng toàn phần của AusAID, ông Chánh đã trải qua nhiều vị trí công việc đáng nể như Trưởng phòng Kinh doanh và là quản lý người Việt cao cấp nhất của Văn phòng Kodak Việt Nam, Giám đốc Kinh doanh và là quản lý người Việt đạt cấp bậc AVP đầu tiên của AIA Việt Nam, Giám đốc Kinh doanh Prudential, Phó tổng giám đốc Dai-Ichi Life Việt Nam, Tổng giám đốc Chứng khoán Đại Việt. Ông đạt mức lương 4.000 - 5.000 USD vào những năm 2001-2004, và vượt qua mức 5.000 USD (sau thuế) vào những năm 2007-2008.
Tuy nhiên, vào năm 2009, sau một thời gian dài làm quản lý cho các tập đoàn nước ngoài, ước mơ lập doanh nghiệp của ông Chánh đã bùng lên. "Tôi muốn mình làm chủ và được thực thi các quyết định", ông tâm sự và cho biết bản thân muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Bởi ông nghĩ, doanh nhân nhất là ông chủ của những doanh nghiệp thành công sẽ có cơ hội đóng góp nhiều hơn những nhà quản lý: đóng góp về tuyển dụng lao động, về giá trị của sản phẩm, dịch vụ... "Ước mơ doanh nghiệp bùng lên đủ giúp tôi vượt qua mọi trở ngại để từ giã nghề làm quản lý và thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình", ông Chánh nhớ lại.
Nghĩ là làm, ông đã quyết định đồng sáng lập doanh nghiệp đầu đời của mình: Sàn giao dịch Vàng Thế giới (VTG) vào năm 2009. Ông cho biết mất 3 tháng để kêu gọi vốn, và 4 tháng để xây dựng đội ngũ, hoàn thiện sản phẩm, quy trình hoạt động, và đến tháng 7/2009 thì khai trương. Chỉ sau 6 tháng, Sàn VTG đã nhanh chóng khẳng định uy tín, bùng nổ và trở thành một trong ba sàn vàng có mức giao dịch cao nhất thị trường.
Đang kinh doanh tốt, cuối tháng 12/2009, Chính phủ quyết định đóng cửa các sàn vàng. "Đó là một cú sốc lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh sàn vàng, và đặc biệt là cho tôi và sàn Vàng Thế giới. Sau vụ đóng cửa này, tôi và các cổ đông bị thua lỗ bởi không có doanh nghiệp nào hoạt động 6 tháng mà lại có thể lấy lại vốn đầu tư", ông ngậm ngùi.
Sau cú sốc này, ông đã tạm thời buông hết, quyết định đi chơi một tuần, bỏ mọi buồn đau phía sau, để rồi lại bắt tay vào doanh nghiệp mới với một cái đầu, trái tim mới. Trên Facebook lúc đó ông viết: “Nếu buồn thì kiếm chỗ khóc than, xả hết trong một hai ngày hay một hai tuần…, rồi sau đó quay lại vui sống. Đừng có vừa sống vừa than buồn thì chẳng đi tới đâu, chẳng lợi ích gì”.
Vài tháng sau, ông lại tìm ra một cơ hội khác, đó là kinh doanh nhượng quyền Toán tư duy Mathnasium Mỹ. Ông là người đã phá lệ thường của Ban giám đốc toán tư duy này khi thực hiện việc trình bày năng lực và thương thuyết mua nhượng quyền ngay tại Việt Nam chứ không qua Mỹ như các đối tác khác.
Chỉ trong 2 năm, hệ thống do ông đồng sáng lập và trực tiếp phụ trách marketing, kinh doanh đã phát triển lên 24 trung tâm với 10.000 học sinh từ mẫu giáo đến lớp 9, trở thành một đối trọng nặng ký so với một chương trình Toán của Nhật - vốn đã hoạt động tại Việt Nam trên 5 năm.
Thế nhưng, năm 2013, vì người đồng sáng lập đi nước ngoài, ông phải bán công ty toán tư duy này cho đối tác khác. Thoát vốn thành công, nhưng ông vẫn còn tiếc nuối về tương lai của dự án vì nó thành công vượt kỳ vọng.
Cũng cùng thời gian đó, ông Chánh thành lập Sàn thương mại điện tử Websieuthi.vn theo mô hình Market Place. Dự án tuy có nhiều sản phẩm khác biệt, nhưng không thành công và vấp phải sự cạnh tranh từ quá nhiều ông lớn trong ngành.
Tự phân tích thất bại, ông cho rằng mình đã vấp phải những sai lầm hết sức cơ bản: quá tự tin vào năng lực mà không nghiên cứu kỹ thị trường, tiếc chi phí chìm và "sĩ diện" nên cứ cố kéo dài cuộc sống "thực vật" của dự án khiến chi phí ngày càng đội lên. Năm 2014, ông quyết định cắt lỗ, đóng cửa dự án websieuthi.vn. "Tôi trưởng thành hơn và học hỏi được rất nhiều từ dự án thất bại này", ông chia sẻ.
Từ đống tro tàn của dự án sàn thương mại điện tử ấy, ông quyết định sáng lập ra trang thương mại điện tử khác là Hangtumy.vn, cung cấp dịch vụ mua hàng từ những website của Mỹ về Việt Nam. Dự án này khá thành công và vẫn đang hoạt động. Tuy vậy, với thị trường ngách ông cho rằng doanh nghiệp chỉ tăng trưởng trung bình chứ không thể tăng trưởng mạnh. Vì thế, ông giao lại quyền điều hành cho em trai và dấn thân vào dự án mới là bán vé xe trực tuyến với tên gọi Pasoto.com.
Dự án có vốn điều lệ 40 tỷ đồng, được thành lập bởi ông Chánh và một công ty về công nghệ, với mục tiêu của điện tử hóa thị trường bán vé xe khách. Khách hàng thay vì gọi điện thoại hoặc đến nhà xe đặt vé thì có thể đặt qua mạng, lên xe với vé điện tử, tương tự như vé máy bay. "Thị trường vé xe khách được dự đoán là 3-4 tỷ đôla một năm, doanh số tiềm năng của Pasoto được dự đoán ở mức 30-40 triệu USD một năm", ông nói và cho hay, nhìn thì đơn giản nhưng để thực hiện được điều đó không dễ vì vừa phải thuyết phục các nhà xe hợp tác vừa phải thay đổi thói quen của khách hàng. Tránh vết xe đổ của các công ty đi trước, dự án mới này không quá tập trung vào việc thuyết phục nhà xe dùng phần mềm, mà linh hoạt tạo nguồn vé để bán cho khách.
Trong 8 tháng qua, công ty ông đã đưa ra nhiều hoạt động như bán vé xe giảm giá 50% nếu khách hàng mua vé trước một tuần; chương trình vé giá 10.000 dành cho 10.000 tân sinh viên, bán 2.500 vé Tết của các hãng có thương hiệu, bán vé xe Tết cho Bến xe Miền Đông....
Tuy vậy, nếu chỉ chăm chăm vào vé xe khách, theo ông Chánh, công ty có khả năng chết trước khi đến đích vì đối diện với hai rủi ro rất lớn. Thứ nhất là thị trường bởi tiềm năng là rất lớn, nhưng đó là một thị trường cần định hướng cho cả các hãng xe và khách hàng. Do vậy, công ty cần phải có thời gian và chi phí khá lớn để thực hiện việc này.
Rủi ro thứ hai là số tiền lời gộp của một đơn hàng quá nhỏ so với chi phí marketing (một đơn hàng chỉ lời khoảng 15.000-40.000 đồng). Công ty chỉ có thể hòa vốn trên mỗi khách hàng khi họ mua lần thứ 3, 4.
Ông Chánh cho hay, trong thời gian ngắn hạn, để có thể “nuôi” ngành vé xe khách, Pasoto phải tham gia kinh doanh bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn trực tuyến, và trong năm sau sẽ tiếp tục tham gia cho thuê xe ôtô, và bán các sản phẩm của các công ty du lịch. "Kinh doanh các ngành ngày giúp công ty có lợi nhuận, giảm lỗ ngành vé xe khách để tiếp tục theo đuổi mục tiêu điện tử hóa ngành vé xe khách", ông chia sẻ.
Tuy rất bận rộn trong việc điều hành và quản trị những đầu tư, ông Chánh vẫn dành thời gian để chia sẻ với các bạn trẻ. Ông là tác giả của cuốn sách "Tăng tốc để thành công" được độc giả Tiki bầu là cuốn sách kinh doanh được yêu thích năm 2014. Ông cũng thường xuyên thuyết trình và viết Facebook cá nhân với mong muốn chia sẻ để mọi người học được cái gì đó, dù rất nhỏ từ trải nghiệm, kiến thức của bản thân ông và của rất nhiều người mà ông đã tiếp xúc và của cả những sách mà ông đã đọc.
Dù bản thân là người khởi nghiệp sau tuổi 40 nhưng ông Chánh thừa nhận lứa tuổi này không thuận lợi cho việc khởi nghiệp. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định từ bỏ nghề quản lý lương cao để tự trả lương cho mình, và đồng nghiệp vì mong muốn "giàu hơn, được nhiều quyền hơn trong thực hiện những suy nghĩ, chiến lược của mình, và được đóng góp nhiều hơn cho xã hội".
Đồng thời, ông không quên đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ, lứa tuổi lý tưởng nhất để khởi nghiệp là từ 27-35 tuổi. Bởi theo ông, lúc đó họ đã làm việc 5-10 năm và đã tích lũy kiến thức chuyên môn, kiến thức quản trị, kỹ năng làm việc cũng như đã có một số vốn ban đầu và những mối quan hệ trong công việc. Lứa tuổi này không quá mơ tưởng, bay bổng về ý tưởng của mình và ngược lại họ cũng không quá e ngại, dị ứng với rủi ro.
Theo ông Chánh, các thanh niên khởi nghiệp khi còn quá trẻ, dưới 22 tuổi, thì dù có khát khao rất cao, tỷ lệ thành công cũng khá thấp, vì họ chưa có đủ vốn ban đầu và đặc biệt chưa tích lũy đủ năng lực - tổng hợp của kiến thức, kỹ năng, thái độ và trải nghiệm.
Ngược lại khởi nghiệp ở lứa tuổi trên 35 thì sẽ rất vất vả vì họ đã ở khá lâu trong vùng an toàn “comfort zone”, họ sợ thất bại, sợ mất cái đang có và nhìn đâu cũng thấy rủi ro nên thiếu tố chất xông pha của doanh nhân. Thêm vào đó, đang là quản lý điều hành nhiều nhân viên với ngân sách, doanh số lớn, nhiều người không thích ứng với quy mô doanh nghiệp lúc mới bắt đầu. Một yếu tố không thuận lợi nữa của những doanh nhân lớn tuổi là thời gian để xoay trở tình hình, nếu gặp khó khăn, cũng bị cắt ngắn.