Bỏ việc đáng mơ ước ở Mỹ, 9X về Việt Nam lập nghiệp

Từ bỏ công việc ở McKinsey & Company - Mỹ (công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới), Trần Hoàng Kim về Việt Nam khởi nghiệp với những dự án táo bạo.

Chuẩn bị ra mắt khu giải trí rộng 2.000 m2 cuối tháng 9, tại Hà Nội, Trần Hoàng Kim (25 tuổi) cho biết, đây là khu vui chơi 2 tầng công nghệ cao với hơn 50 trò chơi như đua xe công thức 1 thu nhỏ, leo núi, vận động…. Dự kiến, đây sẽ là khu giải trí phục vụ giới trẻ, có những trò chơi độc đáo, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Kim là giám đốc dự án, cũng là 1 trong 3 cổ đông trẻ nhất của “thung lũng giải trí” này.

Bỏ ngang du học vì mê kinh doanh

Năm 2007, khi vừa học xong lớp 11, chiều lòng bố mẹ, 9X sang Mỹ du học tại Brigham Young University. 

Đi học nhưng anh chàng lúc nào cũng có tư tưởng đi làm. Tại đây, khi biết về Công ty McKinsey & Company - Mỹ (công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới), Kim quyết tâm bằng được sẽ ôn luyện thi vào làm tại đó. 

Năm 2011, trải qua 6 vòng thi cam go, Kim đã trúng tuyển vị trí tư vấn viên (consultant) ở McKinsey & Company. Anh quyết định bảo lưu đại học để đi làm. Mức lương 9X nhận được gần 2.500 USD (tương đương trên 50 triệu đồng). Anh cho biết, McKinsey là môi trường đáng mơ ước của nhiều người nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Ở đây, tinh thần “can-do-attitude” (việc gì cũng làm được) rất cao.

“Sếp của bạn không quan tâm bạn làm gì, bằng cách nào mà phải làm bằng được. Đầu tiên bạn sẽ rất ngán ngẩm với các mục tiêu bất khả thi được đề ra. Thế nhưng tuần này qua tuần khác, đến cuối kỳ, bạn sẽ choáng khi nhìn lại kết quả đã làm được”, anh chia sẻ.

Trong môi trường kích thích sự sáng tạo, Kim nảy ra nhiều ý tưởng kinh doanh mới mẻ và lên kế hoạch thực hiện. Cũng vì vậy mà anh quyết định xin thôi việc sau một năm.

Biết tin Kim xin nghỉ tại McKinsey & Company, bố mẹ phản đối quyết liệt. Ông Trần Quang Vinh, bố Kim nhớ lại: “Với bản tính thích làm chủ, khác người, 'cậu ta' quyết định rời Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp, bất chấp sự phản đối gay gắt của mọi người. Khi ấy, mọi khoản chi tiêu, anh chàng sử dụng từ số tiền tiết kiệm hồi còn làm ở McKinsey”.

Thế nhưng, trên thương trường đầy khốc liệt, những dự án khởi nghiệp của Kim đều chết yểu. Kim nhớ nhất dự án "Saigon League", một hệ thống giải đấu có tính năng giống ở châu Âu dành riêng cho giới bóng đá nghiệp dư, được anh kỳ vọng nhất khi đó. Dự án từng thu hút được sự quan tâm tương đối lớn của giới bóng đá không chuyên ở TP HCM, có thời điểm tới gần trăm đội tham gia. Song chi phí vận hành ngày càng tăng, trong khi giá vé không thể giảm hơn được nữa, hệ thống giải nhiều tháng liền bị lỗ. Số tiền tiết kiệm cạn dần, anh phải đi vay để sống.

Sau này, Kim nhận ra rằng, phần lớn các dự án mình làm lúc đó đều manh mún và nhỏ lẻ. “Có những ý tưởng rất mới lạ, nhưng nó chỉ đẹp khi còn là lý thuyết và rất dở nếu đi vào thực tiễn”, Kim tâm đắc.

Mẹ ốm, Kim đã quay về Hà Nội và bỏ lại những ý tưởng từng một thời ao ước biến nó thành hiện thực. Được sự ủng hộ từ phía gia đình, Kim tập trung phát triển một trang web hướng nghiệp. Website này hướng dẫn các sinh viên hay MBAs ở các trường top trên thế giới thi vào McKinsey và các công ty tư vấn chiến lược có tiếng khác.

alt

9X có đam mê khác biệt

Cuối năm 2014, tình cờ biết đến tổ hợp vui chơi giải trí Hanoi Creative City sắp khởi động, chàng trai trẻ một lần nữa mơ ước làm điều khác biệt. Kế hoạch đó là mở khu vui chơi giải trí khác lạ dành cho giới trẻ.

Với tiềm lực kinh tế có hạn, Kim tìm hiểu và liên hệ thêm các đối tác có tiềm năng. Thế nhưng, phần lớn nhà đầu tư đều từ chối, vì cho rằng dự án của Kim không khả thi. Thậm chí, có người còn nghĩ cậu "không bình thường", bởi nó vượt quá khả năng chi trả. Ngoài tiền thuê mặt bằng, chi phí nhập thiết bị máy móc về Việt Nam quá lớn, trong khi thu nhập của người Việt trẻ thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới.

Kim kể, trong việc tìm kiếm thiết bị game, anh từng mê mẩn chiếc máy luyện phản xạ Batak Reaction, thường được sử dụng để huấn luyện cho các thủ môn chuyên nghiệp. Anh hạ quyết tâm tìm mua và nhập về bằng được chiếc máy này. Thế nhưng, giá thành của nó lên đến vài trăm triệu đồng, chưa kể đến phí vận chuyển và bảo dưỡng từ xa. Anh hiểu, nếu không kiểm soát được tổng chi phí đầu tư, nhiều khả năng anh lại giẫm vào vết xe đổ của 3 năm về trước.

Kim đã tìm khắp nơi gia công sản phẩm nhằm giảm chi phí. Cuối cùng, anh gặp Lê Dụng Hiệp - một kỹ sư cơ khí điện tử rất “giỏi” theo định nghĩa của Kim. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hiệp và nhóm kỹ sư đã chế tạo thành công chiếc máy. Và nhóm Kim cũng đã nhận được 3 sự đồng ý hợp tác phát triển dự án. Vị giám đốc trẻ chia sẻ, cho đến bây giờ vẫn còn xúc động mỗi khi nhớ lại. 

Chia sẻ về khu vui chơi, Kim cho biết, ngoài các yếu tố vui, an toàn ra, anh có một tư tưởng rất sắt đá là các trò chơi phải mang tính lành mạnh và giáo dục. Tất cả các game ở đây đều có bản chất vận động, tương tác thể chất và trí tuệ. Vì thế, nó được gọi tên là game phi điện tử. 

Hiện khu vui chơi đã dần hình thành, gồm trên 50 trò chơi, phần lớn chưa từng có ở Việt Nam, trong đó có nhiều trò do cả nhóm phát triển.

Là người sáng lập dự án nên Kim phải tham gia từ thiết kế, xây dựng, cơ khí, marketing, vận hành cho đến pháp lý… Anh thừa nhận, nếu biết kết nối được những người giỏi với nhau, thì việc gì cũng thành công.

Chia sẻ về con trai, ông Vinh cho biết, từ khi còn nhỏ, Kim đã có những suy nghĩ và mong muốn làm những việc khác thường. “Cho đến bây giờ, khi hỏi đã bao giờ hối tiếc về việc bỏ ngang du học và công việc tại McKinsey, Kim vẫn luôn bảo đó là lựa chọn đúng đắn”, bố Kim nói.

Theo Newszing

Bình luận của bạn