Câu chuyện khởi nghiệp thành công của người phụ nữ ngoài 50
Gạo Nàng xuân có hạt thon dài và được coi là loại gạo có hạt dài nhất tại Việt Nam. Loại gạo này hấp dẫn từ mùi hương đặc trưng đến hạt cơm tinh tế, bóng đẹp, mềm dẻo... Hiện nay, gạo Nàng xuân được thị trường rất ưa chuộng.
Thế nhưng, ít ai biết được, để có được những thành quả như ngày hôm nay, chị Nguyễn Thị Hợp đã trải qua rất nhiều khó khăn để mang thương hiệu gạo Nàng xuân đến với mọi người.
Gạo tẻ thơm Quế Võ được phát triển từ đầu năm 2007, bởi HTX Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh do chị Hợp làm chủ tịch. Tuy nhiên, vì không có thương hiệu nên rất ít người biết đến. Những năm được mùa thì mất giá, dần dần bà con nông dân cũng không mặn mà với nghề trồng lúa.
Biết được những khó khăn, thách thức của người nông dân quê mình, chị Hợp dù đã ngoài 50 tuổi vẫn quyết định bắt đầu khởi nghiệp đi tìm chỗ đứng cho thương hiệu gạo quê hương. Chị Hợp cho biết: "Tôi thấy mình quá liều, ở cái tuổi hơn 50 gần nghỉ hưu đáng lẽ tôi nên ở nhà chăm sóc gia đình, con cháu nhưng nhiệt huyết muốn được làm việc trong tôi đã thôi thúc tôi phải làm, tiếp tục cống hiến".
Đối với chị Hợp, việc phát triển dòng gạo tẻ Nàng xuân Quế Võ còn mang ý nghĩa quan trọng đối với mảnh đất quê hương nơi chị đang sinh sống.
"Nếu nông nghiệp tiếp tục tình trạng như thế này thì nhiều hộ sẽ bỏ ruộng vì sản phẩm nông nghiệp làm ra cứ được mùa lại mất giá. Tôi nghĩ rằng nếu mình tạo ra thương hiệu gạo thì giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ", chị Hợp chia sẻ.
Khi xây dựng thương hiệu gạo mới, nhiều người nông dân đã không đồng tình, chị đã rất khó khăn để vận động, thay đổi tư duy trồng lúa mới cho bà con. Chị cũng mạnh dạn mở các lớp tập huấn canh tác cho người dân, đi tìm kiếm thị trường...
Cho đến nay, diện tích trồng lúa của HTX đã lên tới 40ha, sản lượng đạt được khoảng 300 tấn thóc cho mỗi mùa vụ. Cuộc sống người dân cũng từng bước được nâng lên, ai cũng phấn khởi vì thương hiệu gạo Nàng xuân của xã mình đã được người dân khắp đất nước biết đến.