Câu chuyện khởi nghiệp: Thu triệu USD từ những ý tưởng lạ

Ý tưởng điên rồ, kiếm tiền ngàn đô Nhắc đến khởi nghiệp, hầu hết mọi người đều nghĩ đến những việc to tát, khó thực hiện như lập công ty, mở cửa hàng,... Nhưng đối với một số người trẻ, khởi nghiệp lại có thể bắt đầu từ những công việc tưởng chừng nhỏ bé, khó tin.

Ở Việt Nam, đánh giày vốn được cho là nghề “đường phố”, người làm việc này gắn liền với hình ảnh thùng giày và đôi dép lê, lang thang khắp các ngõ hẻm, hàng quán tìm khách. Còn với anh Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1987), đánh giày lại là một công việc được anh hết sức nâng niu, quý trọng, bởi những đôi giày qua tay anh có giá trị rất lớn.

Đánh giày, sửa túi,... công việc tưởng đơn giản mà đem lại mức thu nhập đáng kể. 

Từng đi du học bên Trung Quốc và có công việc với mức lương hàng ngàn USD/tháng, tình cờ một lần biết đến cách làm mới đôi giày hiệu đã cũ của mình, trong đầu anh chợt nảy ra ý tưởng mở cung cấp dịch vụ “spa đồ hiệu” cho những người sở hữu món đồ xa xỉ, đắt tiền. Để làm được điều đó, anh phải chấp nhận nghỉ việc và mất một thời gian dài mới thuyết phục được gia đình, bởi bố mẹ anh cho rằng, đánh giày, sửa túi là nghề vừa vất vả lại không kiếm ra tiền.

Nhờ kiên trì, đến nay, anh đã sở hữu một cửa hàng nổi tiếng chuyên dịch vụ làm mới, sửa chữa cho những món đồ hãng như giày dép, túi xách... trị giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Theo đó, cửa hàng của anh chưa khi nào vắng khách. Có thời điểm, anh phải đóng cửa từ chối bớt, dù giá dịch vụ cho mỗi món đồ có thể lên đến vài chục triệu đồng.

Cũng vô tình khởi nghiệp từ chính sở thích lạ - sưu tầm búp bê, chàng trai trẻ Phan Ngọc Sang đã trở nên nổi tiếng khi có trong tay một nghề khá độc đáo là “trang điểm cho búp bê” (hay còn gọi là repaint, face up). Mê mẩn vẻ xinh xắn của các em búp bê nhưng không hài lòng với những khuôn mặt vô hồn được sản xuất hàng loạt, Sang đã sử dụng vốn kiến thức học tại trường Kiến trúc cũng như khả năng của mình để vẽ lại, cho búp bê diện mạo mới xinh đẹp, sống động hơn. Theo đó, người chơi búp bê muốn nhờ Sang face up phải trả từ 400.000-500.000 đồng/mặt, thậm chí 1,1-1,2 triệu đồng/mặt.

Trung bình mỗi ngày, Sang kiếm gần 1 triệu đồng, tính ra một tháng có thể thu nhập đến 1.500 USD. Vừa được thỏa sức sáng tạo với món đồ chơi yêu quý, vừa làm ra số tiền lớn, Sang có thể tiếp tục sở thích sưu tầm búp bê và chủ động cuộc sống của mình. Người thành công, kẻ dẹp tiệm đổi nghề Cũng giống như anh Hải hay Ngọc Sang, mong muốn được sống với chính đam mê của mình, chàng trai trẻ Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1996) đã dành cả thanh xuân để tẩn mẩn với những món đồ phế liệu tưởng như vô giá trị, biến chúng thành những đồ vật trang trí vô cùng đẹp mắt.

Tuy nhiên, sở thích của Huy bị cha mẹ phản đối cực lực vì cho rằng chúng không làm ra tiền. Để chứng minh với cha mẹ, Huy phải cố gắng rất nhiều. Cậu đem những món đồ tinh xảo của mình đến những hội chợ cho người trẻ và dần được chú ý. Nhiều đơn hàng lớn nhỏ liên tiếp đổ về. Những tác phẩm nghệ thuật đẹp lung linh do Huy làm ra có giá thành trên thị trường từ 2-3 triệu đồng. Chẳng ai nghĩ đến, chàng trai này mỗi tháng có thể kiếm từ 15-20 triệu đồng từ rác.

Bên cạnh những tấm gương khởi nghiệp thì có những người dù mang ý tưởng hay, mục đích tốt đẹp nhưng do khả năng còn hạn chế, sau khi bắt tay vào làm mới nhận ra quá sức bản thân nên đã sớm phải ngừng lại. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Diệu Linh và “gánh cơm rong 15.000 đồng” quen thuộc với giới xe ôm công nghệ. Bắt tay vào làm khi không có quá nhiều vốn, mục đích duy nhất của chị Linh là hỗ trợ những người lao động có mức thu nhập trung bình, muốn tiết kiệm ngay cả bữa cơm của mình, như  các bác tài xe ôm công nghệ. Đây là nhóm sử dụng internet thành thạo, dựa vào đó, chị bán cơm cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sau 3 tháng, chị Linh phải dừng lại bởi nhận ra bản thân không thể dành quá nhiều thời gian, công sức cho gánh cơm này, trong khi những nỗi lo về cuộc sống, kinh tế vẫn còn đó. Những suất cơm giá 15.000 đồng chỉ đủ để làm việc có ý nghĩa trong xã hội, không đủ để gồng gánh cuộc sống bản thân chị. Dù chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác song theo chị Linh, bất kể khi nào có cơ hội, chị vẫn sẽ tiếp tục “gánh cơm” của mình.
Trong khởi nghiệp, có nhiều người thành công nhưng cũng không ít kẻ thất bại. Thế nhưng dù thành công hay phải dẹp tiệm, bỏ nghề thì khởi nghiệp cũng đem lại nhiều bài học quý giá. Chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp của giới trẻ, ông Đỗ Minh Phú, nguyên chủ tịch Tập đoàn đá quý Doji kiêm chủ tịch HĐQT TienphongBank, cho rằng; “Nếu có gia thế thì quá tốt, vì đó là bệ phóng. Tuy vậy, không phải quá ngại khi chúng ta bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh mà không phải là những gia đình trâm anh thế phiệt. Hãy bắt tay vào việc, tôi quan niệm là muốn bơi hãy nhảy xuống nước. Nếu bạn cứ đứng trên bờ và chờ đợi lớp đào tạo huấn luyện thì quả thực là khó. Hãy bắt tay vào thực tế cuộc sống chắc chắn sẽ chỉ cho bạn nhiều lối đi".

 

Bình luận của bạn