Chàng kỹ sư điện kiếm 400 triệu đồng mỗi năm từ trồng nấm
Năm 2014, anh Điền tốt nghiệp đại học ngành điện và xin vào làm tại UBND phường Trà An. Thời gian rảnh rỗi, anh mày mò tìm hiểu về mô hình nông nghiệp tốn ít diện tích đất và khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm linh chi.
Là "tay ngang", chưa có kiến thức gì về loại nấm này nên thời gian đầu, anh liên tiếp gặp thất bại. Không nản lòng, anh thường tìm đến những nơi làm nấm chuyên nghiệp tại các khu vực lân cận, lên cả Đồng Nai để tham quan, học hỏi. "Mình đến gõ cửa người ta, nhưng ai cũng ngại dạy bí quyết cho người lạ, sợ bị cạnh tranh, vì vậy tôi phải tự mày mò tìm hiểu trên internet và qua sách vở", anh Điền kể.
Vừa làm vừa học nên nấm do anh Điền trồng chậm phát triển, tỷ lệ hao hụt cao. Thậm chí anh đã phải nhận "trái đắng" sau 2 vụ trồng khi thiệt hại tới gần 100 triệu đồng. Dù rất xót của nhưng anh vẫn không nản lòng bởi luôn tin vào hướng đi của mình và coi đó là bài học kinh nghiệm.
Để làm lại, bên cạnh việc trồng nấm linh chi, anh trồng thêm nấm rơm. Anh Điền cho biết, nấm rơm dễ trồng, nhanh thu hoạch nên xem đó là cách để “lấy ngắn nuôi dài”, tạo nguồn vốn đầu tư cho các loại nấm dược liệu. Nấm rơm làm ra, anh phải đi bán nhỏ lẻ cho các chợ. Khó nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng.
Sau thời gian dài mày mò, cuối năm 2015, anh đã thành công với mô hình trồng nấm linh chi. Dịp Tết Nguyên đán 2016, sản phẩm của anh đã được bán ra thị trường, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Cũng trong thời gian nghiên cứu trồng nấm linh chi, anh còn nuôi gà Đông Tảo, làm rượu nấm, chậu linh chi kiểng.
Khi hỏi tại sao lại chọn làm những mô hình còn ít người quan tâm, anh Điền cho rằng, ở thành phố có ít đất nên phải nghiên cứu, tìm tòi để phát triển những mô hình không cần nhiều đất nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đó phải là những sản phẩm nông nghiệp sạch và ít đụng hàng mới dễ bán. "Mình làm vì đam mê nên không sợ cực khổ, lại càng không sợ thất bại", anh chia sẻ.
Theo anh Điền, các sản phẩm được sản xuất tại trang trại đều rất tỉ mỉ trong từng khâu, từ nguồn nước cho đến nguyên liệu, thức ăn đều được kiểm tra gắt gao, đảm bảo sạch và an toàn. "Đến nay, tôi đã nghiên cứu thành công 32 loại nấm, trong đó toàn là những nấm độc, lạ, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, trị bệnh. Tôi cũng đang xây dựng nhiều nhà lạnh để tiếp tục nghiên cứu, trồng các loại nấm trên", anh nói.
Anh cũng thông tin, trung bình mỗi trang trại đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Mỗi nơi đều có người phụ trách riêng, còn anh chịu trách nhiệm chung và quảng bá, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm làm ra. Từ khi đến với nông nghiệp, anh hầu như không bao giờ ngủ trước 12 giờ đêm.
Hiện nay, anh Điền cho biết mỗi ngày bán được hàng chục kg nấm các loại, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 400 triệu đồng một năm. Anh cho biết vài tháng tới sẽ công bố, giới thiệu 2 loại nấm mới tự nghiên cứu, sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm. Đó là nấm hoàng đế (một giống nấm mới có trọng lượng lớn, có thể đạt hàng chục kg một chùm nấm) và nấm mối - loài nấm vốn chỉ mọc trong tự nhiên vào mùa mưa.
Ngoài trang trại nấm linh chi, anh Điền còn đầu tư trại nuôi bồ câu với diện tích khoảng 60m2, trại nuôi gà Đông Tảo khoảng 50m2 và khu vực nuôi dế khoảng 16m2… Không chỉ thành công với những vật nuôi độc, lạ chàng trai 28 tuổi quê Cần Thơ còn làm rượu nấm, kiểng nấm (nấm bon sai).
Với sức trẻ của mình và với đam mê nông nghiệp sạch, anh Điền mong muốn tạo ra thói quen mới trong sản xuất là không cần nhiều diện tích đất và sản phẩm đến tay người tiêu dùng càng ít khâu trung gian càng tốt. Vì vậy, anh đã tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Để nhiều người có thể tiếp cận được các sản phẩm trên, anh không ngại bán với số lượng ít. Chẳng hạn, nấm linh chi thường có giá hơn 1 triệu đồng mỗi kg nhưng anh chấp nhận cả những đơn hàng chỉ vài trăm gram.
"Nhiều người muốn tiếp cận sản phẩm nhưng không có nhiều tiền, hoặc ngại mua một lần với số tiền lớn nên tôi đã chia nhỏ ra bán. Đây cũng là cách tôi tiêu thụ sản phẩm hiệu quả tới mọi đối tượng khách hàng", anh cho hay.