Chàng trai kiếm tiền tỷ từ cá giòn
Với quyết tâm làm giàu trên quê hương, chàng trai trẻ đã nhanh chóng nổi danh khắp vùng nhờ mô hình nuôi cá thành công, đem lại thu nhập tốt.
Theo thông tin từ Trạm khuyến nông huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy ở xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương hình thành từ năm 2011.
Đến nay, với sản lượng trung bình mỗi lồng đạt 5 tấn cá/năm đã đem lại nguồn thu nhập “khủng” cho người nuôi. Ông Nguyễn Trung Tựu - Cựu Chủ tịch xã Nam Tân, ông cũng là một trong số hộ nuôi cá lồng đạt hiệu quả trên sông Kinh Thầy cho biết:
“Nhu cầu lớn, giá cao, sản phẩm cá giòn đang mở ra tiềm năng, cơ hội lớn cho nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân. Hiện tại, giá cá chép giòn dao động 130.000–145.000 đồng/kg, cá trắm giòn có giá khoảng 120.000–125.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tấn cá giòn thu lãi 30-42 triệu đồng tùy theo thời điểm xuất cá”.
Được biết đến là người đầu tiên và thành công nhất với mô hình nuôi cá chép vàng tại địa phương là anh Nguyễn Thế Phước. Thanh niên Nguyễn Thế Phước sinh năm 1989, quê Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp khoa Điện tử của Đại học Công nghiệp, anh Phước được mời về làm trưởng phòng kinh doanh tại một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Nhưng với suy nghĩ "không phải đi xa, mình có thể lập nghiệp trên chính quê hương", anh Phước quyết định "bỏ phố về quê" để nuôi cá trên dòng sông Kinh Thầy. Anh chàng đã chọn nghề nuôi cá vừa để thỏa mãn đam mê lại vừa kiếm được lợi nhuận.
Hiện, anh là chủ của gần 100 lồng nuôi cá với các loại trắm giòn, chép giòn, điêu hồng... Trải qua bao gian khó, anh đã trở thành tỷ phú trẻ nhất huyện Nam Sách, được mệnh danh là "vua cá chép giòn" tỉnh Hải Dương với thu nhập 6-7 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, để đạt được thành công như ngày hôm nay, anh Phước đã gặp không ít khó khăn và thất bại. Song với quyết tâm thực hiện ước mơ, anh không bỏ cuộc.
Sau khi về quê, anh Phước về tiếp quản hai bè cá của bố nuôi trên sông Kinh Thầy, nhưng anh muốn mở rộng quy mô nuôi cá gấp 10 lần. Để có tiền, hai bố con xoay sở ngược xuôi, vay mượn ngân hàng, người quen, cầm cố, thế chấp nhà cửa. Đầu tiên, anh Phước bắt tay vào nuôi cá điêu hồng. Anh mua 10 tấn cá giống, nhưng sau đó bị chết mất 8 tấn. Nguyên nhân là anh chưa có kinh nghiệm, vận chuyển cá giống bằng xe gắn máy nên cá chết do sốc. Mỗi kg cá giống có giá 45.000 đồng, đã lấy đi của anh Phước hàng trăm triệu tiền vốn.
Sau này, anh bắt đầu thử nuôi cá chép giòn và thời kì đầu anh ra bờ đê cắt cỏ chỉ, mang thóc của nhà ra ngâm cho cá ăn. Lứa cá cứ thế lớn dần, tuy nhiên, cá rất to nhưng phát triển không đều.
Anh Phước lại lục lọi tìm hiểu, hỏi han để chăm sóc cho cá vừa đẹp về hình thức, vừa cho chất lượng tốt. Sau đó, anh Phước cho cá ăn phối trộn theo tỷ lệ và giai đoạn nhất định và cách làm này đã giải quyết được sự không đồng đều trong tăng trưởng của cá. Anh Phước cho biết, hiện tại gia đình anh đã không phải mua đậu tằm để cho cá ăn từ Trung Quốc nữa mà thuê đất trên miền núi trong nước sản xuất đậu tằm để làm thức ăn cho cá nên bớt được chi phí rất nhiều. Lứa cá chép giòn mang về lợi nhuận cho anh, và tiếp đó, anh mở rộng đầu tư loại cá này và có được thành công như ngày hôm nay. Hiện tại, mỗi năm gia đình anh xuất bán trên dưới 30 tấn cá chép, cá trắm giòn.
Theo Newszing